Theo tờ National Interest (Mỹ), ở thời điểm đó, quyết định ám sát Đô đốc Nhật Bản Yamamoto không cần có sự thông qua của tổng thống hay xem xét từ Bộ Tư pháp.
Mục tiêu của vụ ám sát là để trả thù cho cuộc tấn công bất ngờ của Hải quân Đế quốc Nhật Bản nhằm vào quân đội Mỹ ở Trân Châu Cảng năm 1941.
Chiến hạm Mỹ USS Arizona chìm trong trận Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941. Ảnh: Reuters |
Vào đầu năm 1943, Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản, là một trong những nhân vật bị căm ghét nhất tại Mỹ. Ông Yamamoto là người đã lên kế hoạch cho trận Trân Châu Cảng khiến 2.400 người Mỹ thiệt mạng và 1.000 người khác bị thương.
Nước Mỹ nhìn thấy cơ hội để trả thù vào tháng 4/1943 và không hề có chút do dự nào. Do vậy, mật danh của cuộc ám sát này là Chiến dịch Báo thù.
Mùa xuân năm 1943, tình thế của Nhật Bản trên chiến trường ngày càng gặp khó khăn. Mỹ kiểm soát được đảo Guadalcanal. Khi đó, xuất hiện nhiều chỉ trích rằng các chỉ huy cấp cao quân đội Nhật Bản đã không chịu thân chinh ra tiền tuyến để tìm hiểu tình hình. Do vậy, Đô đốc Yamamoto quyết định đến thăm đơn vị không lực hải quân tại đảo Nam Thái Bình Dương Bougainville.
Một tín hiệu mã hóa được gửi vào ngày 13/4/1943 tới các chỉ huy của Nhật Bản trong khu vực đã liệt kê hành trình của Đô đốc Yamamoto cũng như số máy bay và chiến hạm hộ tống đoàn của ông này. Tuy nhiên, phía Mỹ đã giải được mật mã các tin nhắn quân sự và ngoại giao của Nhật Bản trong nhiều năm trời do vậy tín hiệu mật mã về hành trình của Đô đốc Yamamoto đã được hóa giải chỉ trong chưa đầy một ngày.
Đô đốc Chester Nimitz, chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương đã phê chuẩn chiến dịch bắn hạ máy bay của Đô đốc Yamamoto. |
Tuy nhiên, đây cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Các chiến đấu cơ của Mỹ như F4F Wildcat và F4U Corsair chưa đạt đến tầm có thể chặn được chiến đấu cơ của Đô đốc Yamamoto trên bầu trời Bougainville, nơi cách căn cứ không quân gần nhất của Mỹ tại Guadalcanal tới 644 km. Chiến đấu cơ duy nhất của Mỹ đủ khả năng là chiếc P-38G Lightning của hãng Lockheed.
Để tránh bị phát hiện, các sĩ quan tham mưu Mỹ muốn những chiếc P-38G bay ít nhất 80km ngoài khơi Bougainville. Điểm yếu của những chiếc Lockheed P-38G Lightning là máy bay quân sự này không có radar AWACS (hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm) hoặc trạm radar trên bộ để hướng chúng tới mục tiêu hoặc định vị được địa điểm máy bay chở Đô đốc Yamamoto.
Đô đốc Isoroku Yamamoto trong bộ quân phục màu trắng gặp gỡ nhóm phi công Nhật Bản. Bức ảnh đươc chụp vào sáng cùng ngày ông này bị ám sát.Tuy nhiên, qua tính toán tốc độ của máy bay ném bom G4M Betty Nhật Bản chở theo Đô đốc Yamamoto và nhiều yếu tố ngoại cảnh khác, Mỹ ước tính rằng thời điểm "ra tay" sẽ rơi vào 9 giờ 35 phút sáng.
Phía Mỹ đã điều 18 chiếc P-38 cho nhiệm vụ này, theo đó 4 chiếc mang trọng trách đuổi bắt máy bay của Đô đốc Yamamoto trong khi những chiếc còn lại sẽ bay ở phía trên cao để làm rào chắn khỏi các chiến đấu cơ Nhật Bản. Nhưng trên đường đến Bougainville, đã có 2 chiếc gặp trục trặc do vậy chỉ còn 16 chiếc tiếp tục hành trình.
Phía máy bay Mỹ đến sớm 1 phút so với dự tính, vào 9 giờ 34 phút. Điều đáng ngạc nhiên là các chiến đấu cơ Nhật Bản xuất hiện sau đó đúng 1 phút, chính xác những gì các chuyên gia Mỹ đã tiên liệu. Có hai máy bay ném bom Betty, trong đó một chiếc chở theo Đô đốc Yamamoto trong khi trên chiếc còn lại là Phó Đô đốc Matome Ugaki. Hai nhân vật này được hộ tống bởi 6 chiến đấu cơ A6M Zero liên lục theo sát, để mắt.
12 chiếc P-38 đã bay ở trên cao, trong khi đó 4 chiếc còn lại tấn công trực tiếp máy bay ném bom Betty. Hai chiếc Betty đã hạ độ cao để tránh đối phương, do vậy các phi công Mỹ đã không thể xác định chính xác phi cơ nào chở theo Đô đốc Yamamoto.
Một chiếc Betty bị “thương nặng” ở động cơ trái do vậy đã lao xuống rừng. Chiếc Betty còn lại cũng bị hạ và rơi xuống nước. Chiếc Betty rơi xuống rừng với toàn bộ thành viên phi hành đoàn thiệt mạng chính là phi cơ chở theo Đô đốc Yamamoto.
Phía Nhật Bản đã tìm được xác máy bay chở Đô đốc Yamamoto và tiến hành hỏa táng ông này ngay tại hiện trường. Một điện thờ được dựng lên tại địa điểm này và luôn có nhân viên hải quân Nhật Bản túc trực trông nom cho đến khi chiến tranh kết thúc. Tro cốt của Đô đốc Yamamoto được đưa trở về Nhật Bản vào tháng 5/1943.
Câu hỏi được đặt ra là cái chết của Đô đốc Yamamoto có ảnh hưởng tới cuộc chiến hay không? Trận Trân Châu Cảng do Đô đốc Yamamoto “thiết kế” được đánh giá táo bạo và tài giỏi nhưng chiến thuật ông áp dụng với trận Midway năm 1942 lại là thất bại khiến Nhật Bản mất đi lực lượng hàng không mẫu hạm. Dù thế nào, Đô đốc Yamamoto vẫn được đánh giá là một trong những vị đô đốc huyền thoại của Nhật Bản.