Cuối năm 2013, trong lúc trồng hoa vạn thọ chuẩn bị đón Tết thì lão nông đã tuổi thất thập cổ lai hy bị đau hông lưng, mệt, vã mồ hôi nên phải ngưng công việc. Con trai thấy vậy vội đưa ông vào cấp cứu ở bệnh viện địa phương, siêu âm phát hiện khối u gan to.
Tây y từ chối
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Đột (75 tuổi ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM) bị bệnh ung thư gan nhưng phát hiện muộn. Ông Đột nhớ lại những ngày mới phát hiện ra bệnh và phải nằm nhà thương (bệnh viện) liên tục. Ông Đột cho biết, sau khi làm TACE (bệnh nhân ung thư gan được điều trị bằng phương pháp TACE, có nghĩa là tình trạng kém và ung thư giai đoạn B theo phân độ BCLC. TACE là phương pháp điều trị nhằm kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân) lần 1 thì bị tác dụng phụ khiến ông không ăn uống được mà lại bị nôn ói, tiêu chảy liên tục, nóng lạnh nhưng vì bệnh viện quá tải nên phải xuất viện điều trị ngoại trú.
Về nhà nhưng tình trạng không thay đổi, ông phải nhập viện cấp cứu trở lại. Lo lắng vì thấy sức yếu, không đủ sức để làm TACE lần 2, bệnh thì không thuyên giảm mà xin bác sĩ điều trị cho nằm lại bệnh viện thì bị mắng: “Ở đây chỉ điều trị bệnh chứ không phải dưỡng bệnh”, gia đình đành đưa ông về nhà lo hậu sự. Lúc đó trong người cứ nóng/lạnh, run rẩy, vật vã, nôn ói, ho tiêu chảy... sụt 15kg, chỉ còn có nắm xương, không ăn uống được, lại đau đớn, gia đình ai cũng xót xa. Các con của ông Đột liên hệ với bạn bè, người quen hỏi thăm có nơi nào nhận chữa bệnh cho tình trạng của bố mình hay không? May mắn, được người quen giới thiệu xuống Viện Y dược học Dân tộc TPHCM để điều trị theo y học cổ truyền.
Ông Nguyễn Văn Đột bên người bạn đời khi đang kiểm tra lại một số xét nghiệm ở Viện Y dược học Dân tộc TPHCM. |
Sống được nhờ y đức thầy thuốc
Ông Đột cười nói rổn rảng khi kể về sự may mắn thoát khỏi tay tử thần của mình nhờ tập thể y bác sĩ Khoa Nội ung bướu, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM. “Đến bệnh viện, lúc nửa đêm thì người tôi đau đớn, lạnh run, mồ hôi ra như tắm, ho sặc sụa... đắp mấy cái mền (chăn) nhưng tôi vẫn lạnh và vật vã, một anh điều dưỡng đã phải ôm, giữ tôi suốt mấy tiếng đồng đồ để tôi bớt lạnh run và không bị vật vã, đồng thời các y bác sĩ khác cũng túc trực kế bên tôi. Nhờ vậy, mà sau 3 tuần điều trị tích cực tôi đã hết các triệu chứng nôn ói, lạnh run, mệt mỏi, chán ăn... mà hồi phục cơ thể từ từ trở lại. Sau thời gian đó, tôi điều trị ngoại trú lãnh thuốc về uống từng tuần lễ một”, ông Đột cho biết thêm.
Ông Đột chia sẻ: Tôi không phải làm TACE mà chỉ dùng thuốc Đông dược của Viện Y dược học Dân tộc TPHCM, kết hợp với chế độ ăn uống, tập thể dục mà tôi đã sống thêm được 2 năm và vẫn thấy khoẻ mạnh. Chế độ ăn của ông Đột là đa dạng các loại thực phẩm, trong tuần thì có 1 – 2 bữa ăn thịt bò, hay thịt lợn/gà... để đảm bảo lượng đạm, vitamin, khoáng chất. Sau 2 năm điều trị theo Đông y, ông Đột cho biết thêm, cơ thể hồi phục tăng lên mấy cân, đi bộ quanh xóm, làm các công việc nhẹ nhàng ở nhà, vài tháng lại đón xe buýt xuống Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM để làm các xét nghiệm kiểm tra sức khoẻ. Ông Đột còn nói vui, cứ đà này tôi phải sống thêm cả chục năm nữa chứ chẳng chơi.
BS Hoàng Thị Minh Hiếu, Khoa Nội ung bướu, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết: Sau khi điều trị Tây y, ông Đột bị tác dụng phụ của thuốc dẫn đến việc ông luôn bị sốt, ho, lạnh run, nôn ói nhiều, mất ngủ, suy dinh dưỡng... trong Đông y gọi là âm hư sinh nội nhiệt nên tôi kê thuốc thang gia giảm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gồm có các dược liệu như bán chi liên, trần bì, linh chi, bạch hoa xà, phục thần, trư linh, liên kiều, cất cánh, bán hạ, bồ công anh...
Ông Đột uống liên tục trong 1 năm thì sức khoẻ hồi phục tốt. Hiện 3 tháng thì ông Đột xuống Viện Y dược học Dân tộc TPHCM để kiểm tra lại một số xét nghiệm. Với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, lớn tuổi thì không nên ăn chế độ chay hoàn toàn, không kiêng khem quá mức mà cần chế độ ăn đa dạng có cả thực vật và động vật để đảm bảo tháp dinh dưỡng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều trị Đông y phải hợp thuốc, chứ không phải ca nào cũng “ngoạn mục” như ông Đột cả!
Tùy cơ địa!
Hóa trị có thể làm giảm số lượng tế bào ung thư, nhờ đó, có thể giúp chữa khỏi bệnh ung thư. Nhưng hóa trị cũng có thể ảnh hưởng lên hệ thống, cơ quan quan trọng của cơ thể (tim, phổi, gan, thận hay thần kinh)… Hóa trị cũng ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa gây đau miệng, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Do vậy, bệnh nhân lớn tuổi, yếu sức thì bị ảnh hưởng các tác dụng phụ của thuốc nên khi kết hợp với các phương pháp điều trị ở Viện Y dược học Dân tộc TPHCM giúp nâng thể trạng và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc Tây y cũng là một phương pháp tốt cho bệnh nhân giai đoạn cuối. Tuy nhiên, khi điều trị bằng Tây y hay Đông y thì cũng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng, tinh thần, cơ địa…
BS Trần Nguyên Phương (Hội Ung thư TPHCM)