Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức trực tuyến, ngày 21/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Lãnh đạo G20 - nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - ngày 22/11 cam kết sẽ "dốc mọi tâm sức" để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, cũng như hỗ trợ nền kinh tế của các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch toàn cầu này.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày nhóm họp, G20 khẳng định: "Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết những nhu cầu tài chính vào lúc này mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vắcxin ngừa COVID-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người."
Tuyên bố chung cũng nhắc tới những tác động và ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch COVID-19 với cuộc sống của người dân trên thế giới, cũng như tới các nền kinh tế. Vì vậy, G20 khẳng định sẽ "phối hợp để bảo vệ mạng sống con người, cung cấp hỗ trợ với trọng tâm đặc biệt vào những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, sớm đưa các nền kinh tế trở lại lộ trình khôi phục tăng trưởng, bảo vệ và tạo ra việc làm mới cho mọi người."
Cũng trong tuyên bố chung, G20 tuyên bố ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương, coi đây là "phương thức hợp tác quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay."
Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa mục tiêu về môi trường đầu tư và thương mại ổn định, minh bạch, không phân biệt, công bằng, rộng mở, toàn diện và có thể dự đoán được. Chúng tôi cũng muốn duy trì các thị trường mở."
Hội nghị thượng đỉnh G20 vốn thường được xem là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới tương tác trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, giữa đại dịch COVID-19, sự kiện quan trọng này lại được rút gọn thành các phiên họp trực tuyến thời lượng ngắn, mà một số nhà quan sát gọi là "ngoại giao kỹ thuật số."
Tới nay, các quốc gia G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đồng thời đã "bơm" 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế thế giới trước "sự tấn công" của dịch bệnh nói trên.