Người dân làng Ban Kohe Sa-nga ở Khon Kaen, đông bắc Thái Lan, nuôi và thuần dưỡng rắn hổ mang trong nhiều thập kỷ qua, vốn là điểm hấp dẫn nhiều du khách.
Sinh ra và lớn lên tại ngôi làng nổi tiếng, ông Plang Phramuang, người từng nuôi 3 con rắn hổ mang và đứng đầu Câu lạc bộ rắn hổ mang Thái Lan, chia sẻ rằng nguồn thu nhập chính của mọi người trong làng chủ yếu đến từ việc trồng lúa, mía và nuôi dưỡng rắn hổ mang.
Loài vật này đang đối mặt với nguy cơ thiếu thức ăn trầm trọng.
"Nguồn thức ăn cho rắn hổ mang ngày càng khó kiếm. Thông thường, chúng tôi cho chúng ăn tất cả những loài rắn và ếch nhỏ", ông Plang nói.
Hạn hán kéo dài ở khu vực khiến người dân không thể săn bắt rắn, nguồn thực phẩm chính để nuôi sống rắn hổ mang.
Những loài rắn nhỏ thường sinh sống ở những con lạch nhỏ hoặc đầm lầy. Tuy nhiên, những vùng này bị biến thành trang trại trồng mía khiến khu vực sinh sống của chúng bị thu hẹp.
"Thỉnh thoảng chúng tôi phải đi khoảng 20 km để tìm những con rắn nhỏ ở các khu vực khác hoặc trong rừng. Chúng tôi thậm chí phải mua rắn nhỏ để làm thức ăn cho rắn hổ mang với giá 2,5 USD/kg", ông cho biết.
Làng Ban Kohe Sa-nga có dân số chỉ khoảng 700 người, đa phần trong số họ làm nghề nuôi rắn hổ mang.
Các màn trình diễn với rắn hổ mang chúa luôn được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Getty. |
Câu lạc bộ rắn hổ mang của ông Plang có khoảng 170 thành viên. Họ nuôi dưỡng và chăm sóc loài động vật này theo cách thủ công nhất có thể: đặt chúng trong những hộp gỗ, cho ăn rắn nhỏ, cá... Thậm chí một số người còn nuôi rắn trong nhà.
Rắn hổ mang trong làng được cho ăn 3 - 4 ngày một lần. Chúng đạt độ tuổi sinh trưởng sau 5 năm và có tuổi thọ từ 30 - 40 năm với độ dài trên dưới 5 m.
Ngôi làng là nơi thu hút nhiều khách du lịch Thái Lan và nước ngoài với các màn biểu diễn rắn hổ mang nổi tiếng. Tại đây, mọi người được tìm hiểu về một trong những loài động vật nguy hiểm nhất thế giới và cách chữa trị khi bị cắn.
Những buổi trình diễn kiểu này chính thức xuất hiện rộng rãi từ năm 1995. Trước đó, Ken Yongla, chủ tịch đầu tiên của Câu lạc bộ rắn hổ mang Thái Lan, từng nghiên cứu cách xử lý nọc độc rắn và quyết định nuôi rắn từ năm 1953.
Khán giả khi đó phải ngồi ở một khoảng cách an toàn để tránh gặp nguy hiểm. Năm 1956, ông Ken chuyển sang nuôi rắn hổ mang chúa, vì loài này không có nọc độc.
Dù các buổi trình diễn đều miễn phí, các khán giả đóng góp tùy tâm nhưng chúng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình trong làng.
Câu lạc bộ còn hợp tác cùng trường đại học Khon Kaen trong việc nghiên cứu về loài rắn cũng như nọc độc của chúng. Họ nhận hỗ trợ tài chính từ chính quyền của tỉnh.
Kể từ năm 1995, 4 người đã thiệt mạng do bị rắn cắn trong các buổi trình diễn. Năm ngoái, một người bất tỉnh trong vòng 3 ngày sau khi dính nọc độc.
Cũng trong năm 2016, khoảng 320.000 du khách tìm đến để theo dõi những màn trình diễn rắn hổ mang trong làng, trong đó đa phần là người Thái.
Các hoạt động thuần dưỡng, bảo tồn loài rắn hổ mang được chính quyền địa phương cũng như ngành du lịch Thái Lan quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, sự sống của loài vật này cũng như công việc của những thợ nuôi rắn đang bị đe dọa bởi nguồn thức ăn ngày càng khó tiếp cận.