Năm 2011, Bệnh viện đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) đi vào hoạt động sau gần 10 năm khởi công, xây dựng trầy trật.
Bệnh viện tuyến tỉnh này sau đó được trang cấp nhiều trang thiết bị y tế hiện đại có trị giá đầu tư hàng chục tỷ đồng bằng ngân sách, như máy chạy thận, máy chụp X-quang, máy siêu âm, chẩn đoán hình ảnh…
Hai máy chạy thận hiện đại cấp về cho Bệnh viện đa khoa Chân Mây từ 8 năm nay chưa một ngày được sử dụng. |
Trong số các trang thiết bị được Sở Y tế tỉnh TT-Huế cấp về gần 10 năm trước, sau khi Bệnh viện đa khoa Chân Mây đi vào hoạt động, có 2 máy chạy thận nhân tạo do Đức sản xuất, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, 2 máy chạy thận đắt tiền vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” gây lãng phí, chưa một ngày được đưa vào vận hành phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Theo tìm hiểu của PV, 2 máy chạy thận này được trang cấp về cho Bệnh viện đa khoa Chân Mây từ thời ông Nguyễn Dung còn làm Giám đốc Sở Y tế TT-Huế, khoảng năm 2014.
Hai máy chạy thận này do Đức sản xuất, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỷ đồng vào thời giá 8 năm trước. |
Sau khi ông Dung chuyển công tác, ông Nguyễn Nam Hùng làm Giám đốc Sở Y tế, rồi đến giám đốc đương nhiệm Trần Kiêm Hảo. Qua 3 đời Giám đốc Sở Y tế TT-Huế, 2 máy chạy thận nhân tạo cấp về cho Bệnh viện đa khoa Chân Mây vẫn trong tình trạng bỏ phí, nằm kho rất nhiều năm, không có phương án sử dụng, vận hành cụ thể.
Đến tháng 5/2021, khi Bệnh viện đa khoa Chân Mây không còn tồn tại trên danh nghĩa do sáp nhập và “hạ cấp” trở thành cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, có người từng gửi ý kiến đến Sở Y tế TT-Huế yêu cầu có phương án xử lý, điều chuyển, sử dụng hợp lý 2 máy chạy thận tiền tỷ, nhằm tránh gây lãng phí. Tuy nhiên, mọi việc rơi vào im lặng một cách khó hiểu.
Hiện qua 3 đời Giám đốc Sở Y tế, vẫn chưa có phương án nào hữu hiệu để khai thác, sử dụng, vận hành đưa vào phục vụ khám chữa bệnh nhân dân đối với 2 máy chạy thận đắt tiền này. |
Ông Ngô Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lộc phụ trách cơ sở 2, cho biết, khi còn làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Chân Mây, ông Hoàng Văn Thám cũng từng đề xuất điều chuyển máy chạy thận đến cơ sở y tế khác để tránh lãng phí, nhưng Sở Y tế chưa có phương án giải quyết phù hợp.
Theo ông Dũng, nguyên nhân 2 máy chạy thận tiền tỷ “đắp chiếu” nằm kho trong 8 năm qua là do Bệnh viện đa khoa Chân Mây trước đây, cũng như cơ sở 2 Trung tâm Y tế Phú Lộc hiện nay, không đủ năng lực, điều kiện cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực để vận hành, sử dụng thiết bị y tế hiện đại và đắt tiền này.
Không ai dám chắc, 2 máy chạy thận sau nhiều năm cất kho liệu có còn bảo đảm chức năng sử dụng cho mục đích khám chữa bệnh. |
“Muốn sử dụng các máy chạy thận đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa, cùng với ê kíp vận hành nhiều thiết bị kèm theo, tính ra phải có 4 - 5 y, bác sĩ, kỹ thuật viên. Bên cạnh đó phải có đơn nguyên chuyên chạy thận. Tuy nhiên, Bệnh viện đa khoa Chân Mây lại không đáp ứng được những điều kiện này”, ông Dũng cho biết.
Bệnh viện đa khoa Chân Mây - nay là cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc hiện có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. |
Theo người phụ trách cơ sở 2 Trung tâm Y tế Phú Lộc, do “đắp chiếu” rất nhiều năm, chưa một lần đưa vào sử dụng, đơn vị hiện không biết chắc liệu 2 máy chạy thận có duy trì được chức năng hoạt động, có xảy ra hỏng hóc, trục trặc gì hoặc đã lỗi thời hay chưa. Muốn đánh giá, thẩm định lại chất lượng, công năng của máy cần phải có chuyên gia.
Liên quan vấn đề lãng phí trang thiết bị y tế được đầu tư hàng tỷ đồng bằng ngân sách tại Bệnh viện đa khoa Chân Mây, PV đã trao đổi trực tiếp với ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TT-Huế, để nắm thêm thông tin từ hơn nửa tháng trước. Đến nay, lấy nhiều lý do khác nhau, Sở Y tế TT-Huế vẫn tiếp tục “câu giờ” cung cấp thông tin cho báo chí.
Nguồn: THDT