- Làng Mậu Lương, xã Kiến Hưng, huyện Thanh Oai là làng làm ngói cổ duy nhất ở khu vực Hà Nội. Để có được viên ngói tốt nhất, người dân nơi đây đã phải trải qua hàng chục công đoạn chế tác cầu kỳ, trong đó có việc dùng rơm để nung ngói.
Tuy nhiên, hiện ở làng Mậu Lương chỉ còn duy nhất gia đình chị Lưu Thị Mai còn giữ được nghề làm ngói cổ này, nhiều người lo ngại, nếu vài năm nữa gia đình chị Mai bỏ nghề thì việc tôn tạo, khôi phục lại kiểu dáng kiến trúc của các đình, chùa cổ ở khắp miền Bắc sẽ gặp muôn vàn khó khăn và chất lượng ngói công nghiệp thì không đảm bảo chất "cổ".
Tuy nhiên, hiện ở làng Mậu Lương chỉ còn duy nhất gia đình chị Lưu Thị Mai còn giữ được nghề làm ngói cổ này, nhiều người lo ngại, nếu vài năm nữa gia đình chị Mai bỏ nghề thì việc tôn tạo, khôi phục lại kiểu dáng kiến trúc của các đình, chùa cổ ở khắp miền Bắc sẽ gặp muôn vàn khó khăn và chất lượng ngói công nghiệp thì không đảm bảo chất "cổ".
Sản phẩm ngói vảy của gia đình chị Mai bán cho các đình, chùa khắp miền Bắc. |
Ngói chùa nung rơm 1 tháng
Vào một nhà dân ở làng Mậu Lương, chúng tôi bắt gặp bức tranh mộc mạc mô tả khung cảnh thanh bình với nhiều lò nung ngói cổ dọc ngang ven con đường vắt ngang qua cánh đồng. Vị gia chủ này bảo, đó là bức tranh được vẽ cách đây gần bảy năm. Nhìn khung cảnh bức tranh so với hiện tại khiến chúng tôi ngỡ ngàng, điểm giống nhau giữa thời điểm cách đây bảy năm và hiện tại là con đường vắt ngang qua cánh đồng, trước đây hai bên con đường đó là lò nung ngói, còn hiện tại là nhà cao tầng mọc lên san sát, các khu đô thị cao vút trời xanh.
Nói về thời điểm hoàng kim của nghề nung ngói cổ, chị Lưu Thị Mai kể lại: "Cách đây gần chục năm, cứ sau mỗi vụ lúa là cả làng Mậu Lương lại đỏ rực ánh lửa cả đêm lẫn ngày vì người dân dùng rơm nung ngói. Thời đó, cả làng Mậu Lương làm ngói không đủ đáp ứng nhu cầu của cả miền Bắc. Sở dĩ ngói ở đây nổi tiếng và được ưa chuộng là do có chất lượng tốt mà những nơi khác không thể có được".
Để so sánh sự khác biệt giữa ngói cổ ở làng Mậu Lương với ngói nơi khác, chị Mai đưa cho chúng tôi xem hai viên ngói cùng chủng loại rồi tiết lộ: "Ngói ở làng Mậu Lương có mặt nhẵn thín, trơn bóng, không bị giòn, khi dùng dao chặt thì ngói Mậu Lương sẽ có vết đứt gãy rất ngọt theo vết của lưỡi dao, còn ngói ở những nơi khác thì sẽ nứt chân chim, hoặc có thể vỡ toác cả viên ngói".
Sở dĩ ngói Mậu Lương có chất lượng tốt bởi vì nó được chế tác qua hàng chục công đoạn cầu kỳ. Theo lời của các cao niên trong làng thì muốn ngói có chất lượng tốt phải chọn được loại đất thó, đất sét tốt, đào sâu xuống dưới đất khoảng 2m mới lấy được loại đất làm ngói, lấy đất về rồi phải đánh tơi rồi tưới nước vào, sau đó dùng nylon trùm lại để ủ. Ủ đất một ngày đêm rồi lại lôi đất ra tưới nước và ủ lại một lần nữa. Sau lần ủ thứ hai thì lôi đất ra nhào cho đất thật dẻo, mịn rồi dùng kéo cắt thành từng quả đất rồi mới nhồi vào khuôn đúc. Cứ ba ngày làm đất thì được hai ngày đóng ngói.
Để có được ngói tốt, bền, đẹp... một mẻ ngói từ khi vào lò đến khi ra lò phải nung ngói bằng than đá trước vài ngày để lấy độ chín cho ngói, sau đó là đun rơm để ngói có được độ bóng, dẻo cần thiết đến khi sử dụng ngói không bị cong, vênh hay quá giòn...
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ Lê Đình Ngôn vẫn cố gắng tư vấn cho con cháu cách làm ngói bằng phương pháp thủ công chất lượng cao. |
Không còn kiên nhẫn để giữ nghề truyền thống
Cụ Lê Đình Ngôn, là thợ ngói giỏi nhất làng Mậu Lương một thời kể lại: "Trước đây, làng Mậu Lương chỉ dám nung ngói sau mỗi vụ lúa, vì sau vụ lúa vừa có nhiều rơm để làm nguyên liệu nung, đốt, vừa tránh không làm lúa chết. Thời điểm hoàng kim của nghề nung ngói, hầu như gia đình nào cũng phải có người thay nhau túc trực cả đêm cả ngày bên lò nung, cứ người này ngủ thì người kia thức để đảm bảo cho lò nung không bị tắt lửa, nếu không thì sẽ bị hỏng cả lò ngói.
Cũng chính vì việc nung ngói nhiều như thế mà làm cho những cánh đồng lúa xung quanh chết hết, thậm chí có hôm khói bao trùm cả làng khiến người và gia súc ngạt thở. Từ đó, dân làng Mậu Lương chuyển sang nung ngói theo mùa, cứ sau mỗi vụ lúa là một vụ ngói... Vì khói nung, đốt rất độc hại nên những lò nung cũng được di chuyển ra những nơi cách xa khu dân cư để đảm bảo an toàn cho người và gia súc".
Khi nói về việc liệu có nên bám trụ cái nghề truân chuyên này không, chị Lưu Thị Mai phân trần: "Trước đây, nếu tính cả khâu làm đất, cho đến khi ngói ra lò thì phải mất gần hai tháng mới được một lò, mỗi lò khoảng 5 - 6 vạn viên, nhưng nay địa điểm làm lò nung ngói ở làng không có, chúng tôi phải đi tìm thuê lại những bãi đất trống cách xa khu đông dân cư để tránh gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà mỗi lò nung cũng chỉ được 4 - 5 vạn viên.
Ngoài ra, lượng đất thó, đất sét cũng cạn kiệt dần, chúng tôi phải mua đất nguyên liệu ở những nơi rất xa xôi đem về làm nên mỗi năm chúng tôi chỉ đun được hai lò ngói. Nếu tính trung bình một lò ngói làm ra bán được 7 triệu đồng thì sau khi trừ chi phí chúng tôi chỉ còn lãi được hai triệu đồng. Vì lãi ít như thế nên nhiều hộ dân trong làng đã không còn kiên nhẫn để giữ nghề truyền thống. Cách đây vài năm, chúng tôi cũng nghĩ đến việc cùng nhau đầu tư công nghệ nung ngói hiện đại để khắc phục tình trạng khói bụi, nhưng vì nghề vất vả nên nhiều hộ không muốn tham gia".
Vừa nói chuyện chúng tôi, chị Mai vừa xếp những viên ngói vừa ra lò lên từng hàng thẳng tắp. Nhìn chị Mai uể oải nhấc từng viên ngói khiến chúng tôi hình dung ra một ngày không xa gia đình chị cũng bỏ luôn nghề làm ngói cổ giống như bao gia đình khác trong làng. đến lúc đó những ngôi đình, chùa, nhà cổ trong khắp miền Bắc khi cần trùng tu, tôn tạo sẽ không biết kiếm đâu ra nguồn cung cấp ngói cổ.
Chị Lưu Thị Mai cho biết: "Ngói của gia đình tôi bán đi các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra các tỉnh phía Bắc. Hiện sản phẩm ngói truyền thống nung bằng rơm của gia đình tôi làm ra không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường, bởi hiện nay có rất nhiều ngôi đình, đền, chùa xuống cấp cần phải trùng tu tôn tạo và thay thế ngói mới. Ngoài ra, còn những công trình Phật giáo mới được xây dựng cũng cần rất nhiều ngói làm theo lối truyền thống. Nếu lấy ngói công nghiệp đắp vào thì công trình sẽ rất nhanh hỏng, vì ngói công nghiệp rất giòn, độ bền của ngói công nghiệp không không cao, trong khi ngói nung rơm có độ bền lên đến hàng trăm năm". |
BÀI ĐỌC NHIỀU: