Dù mới phát hành, nhưng phản hồi về cuốn sách là khá tích cực. Nhiều độc giả bình luận trên Douban – một trong những trang web dịch vụ mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc cho biết, đây là lần đầu tiên họ đọc một cuốn tiểu thuyết của Việt Nam và đánh giá cao nghệ thuật trào phúng cùng bút pháp sâu cay của nhà văn. Có người còn hiếu kỳ không biết liệu vào những năm 1930 – thời điểm ra đời của “Số đỏ” - Việt Nam còn có những “kiệt tác” văn chương nào khác.
Tiểu thuyết "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng bản tiếng Việt và tiếng Trung. |
Chị Lưu Tuệ Tịnh, một độc giả ở Bắc Kinh cho biết: “Có rất nhiều thông tin chúng tôi khó có được ở Trung Quốc. Tôi thấy rất thích những điều trong tác phẩm và muốn giới thiệu nó cho bạn bè. Xem xong, tôi cảm giác có gì đó giống tiểu thuyết “Vòng đời bủa vây” của nhà văn Trung Quốc Tiền Chung Thư. Những gì xảy ra những năm trước đây dường như vẫn xuất hiện trong xã hội ngày nay, không hề có cảm giác khoảng cách về thời đại”.
Chị Lưu Tuệ Tịnh, độc giả ở Bắc Kinh. |
Dịch giả của “Số đỏ” là Phó giáo sư Hạ Lộ của Đại học Bắc Kinh, người từng dịch thành công cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Chị chia sẻ, trong quá trình dịch, chị đã nhận được nhiều sự giúp đỡ động viên của bạn bè Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt là vào mùa xuân 2020, khi đó Trung Quốc bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, ngày nào chị cũng phải ở nhà sửa bản thảo và thường xuyên trao đổi với các bạn Việt Nam qua Internet.
“Họ đã giúp tôi rất nhiều. Trong quá trình này, tôi đã học được rất nhiều kiến thức, tình bạn giữa chúng tôi cũng càng sâu sắc hơn, điều này giúp tôi giảm bớt lo âu, sợ hãi về dịch bệnh", Phó giáo sư Hạ Lộ nói.
Được biết, sau cuốn tiểu thuyết Số đỏ, dịch giả Hạ Lộ sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm dịch văn học đương đại và thơ ca của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam tại Trung Quốc./.