Đại diện các trường đại học Việt Nam tham gia hội thảo Xây dựng đại học xuất sắc - Kinh nghiệm nước Nga và các quốc gia mới nổi" tổ chức tại thủ đô Matxcơva vào tháng 5-2018 - Ảnh: N.H.Đ. |
Ngày 7-6 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức xếp hạng QS (London, Anh) đã chính thức công bố kết quả xếp hạng Top 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới.
Trong 85/197 quốc gia được xướng tên, lần đầu tiên Việt Nam hiện diện với sự góp mặt của hai ĐH: ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm 701-750 và ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định QS là bảng xếp hạng uy tín và đầy đủ các tiêu chí về đào tạo, nghiên cứu và mức độ quốc tế hóa.
"Xếp hạng chỉ là một trong các chỉ số đo lường chất lượng, nhưng quan trọng ở chỗ nó cho phép đối sánh để biết đại học chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới", GS Đức nói.
Năm 2018, Tổ chức QS đã xem xét dữ liệu của hơn 4.700 trường đại học từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại, còn 1.233 trường được tiếp tục đối sánh. Kết quả, 1.000 trường đại học xuất sắc nhất toàn cầu được xướng tên.
Trong bảng xếp hạng này, có 60 trường đại học lần đầu được vinh danh, trong đó có ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.
Dữ liệu xếp hạng của QS dựa trên ý kiến khảo sát của 1,2 triệu các nhà khoa học và 200.000 nhà tuyển dụng, số bài báo Scopus tính trong 5 năm (2011-2016) và số trích dẫn tính cho giai đoạn 2012-2017.
ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801-1000 trong Top 1.000 đại học xuất sắc nhất theo xếp hạng của QS - Ảnh chụp màn hình |
Theo GS Đức, kết quả này khẳng định chất lượng và uy tín đào tạo, nghiên cứu của hai ĐH quốc gia của Việt Nam đã hội nhập sâu với quốc tế, được các nhà khoa học và tuyển dụng trên thế giới biết đến và thừa nhận nhiều hơn. Các công trình nghiên cứu cũng được trích dẫn cao hơn, có tầm ảnh hưởng rộng hơn.
Cụ thể, chỉ số trích dẫn trung bình của các bài báo của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt được mức 4,5 lần/giảng viên.
Riêng hai tiêu chí về đánh giá của các nhà tuyển dụng và tỉ lệ giảng viên/sinh viên, ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong top 500.
Việc hai đại học quốc gia lọt vào bảng xếp hạng top 1.000 ĐH thế giới của QS sẽ có ý nghĩa tác động thế nào đến chính hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung?
"Quan điểm và hành động đổi mới giáo dục ĐH đang đi đúng theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Trường nào kiên định với chất lượng sẽ có thành quả xứng đáng. Nhà nước cần tin tưởng để đầu tư mạnh hơn nữa cho giáo dục đại học", GS Đức nhấn mạnh.
Chỉ ra những tồn tại cần cải thiện để nâng thứ hạng các trường ĐH Việt Nam trong các bảng xếp hạng uy tín, GS Đức cho rằng "điểm bất cập cốt tử của các đại học Việt Nam là nghiên cứu và công bố quốc tế".
"Văn hóa công bố quốc tế cần phải được xác lập mạnh mẽ hơn ở các trường đại học. Để hỗ trợ sự tăng trưởng này, các quỹ và chương trình nghiên cứu của Việt Nam cần được tăng cường và các đại học cần phải được ưu tiên đầu tư như đối với các tổ chức khoa học công nghệ", GS Đức chia sẻ.