Nhiều thương lái mua bán gạo và doanh nghiệp ở khu vực xã Hậu Thành, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đang khổ sở trước nạn làm tiền công khai của một số hộ dân ở đây.
Dưới sông, chủ ghe chở lúa gạo phải chi tiền cho chủ nhà ở cặp đoạn sông đó. Trên bờ, xe tải muốn ra vào kho của doanh nghiệp dễ dàng thì phải chung chi hàng chục triệu đồng cho chủ nhà ở đầu đường.
Đậu ghe phải đóng 20.000 đồng
9h ngày 12/3, bà Phụng ra ngồi bên bờ sông Thông Lưu ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành để canh me các chủ ghe chở gạo đang neo đậu dưới sông, phía đối diện nhà bà.
Khu đất cặp bờ sông trước nhà bà đã bị rào lại, chủ ghe muốn lên bờ mua thức ăn hay trở xuống ghe đều phải đi qua khoảng trống mà bà Phụng đang ngồi.
Một lát sau anh Tâm (chủ ghe TG-1248...) xách mấy túi nilông đựng thức ăn mới mua ở chợ bước qua rào chắn để ra chiếc ghe đang neo đậu giữa sông liền bị bà Phụng đòi tiền: “Chú ơi, lên xuống chỗ này tui phải lấy tiền ghe”.
Bà Phụng nhận tiền của anh Tâm, chủ ghe TG-1248… vào sáng 12/3. |
Bị đòi tiền, anh Tâm giải thích: “Em chở gạo cho chị Trang ở đây nè. Ghe đậu tuốt ở ngoài kia mà. Đậu ngoài đó bao nhiêu một chiếc?”, bà Phụng nói thẳng: “Chở cho ai thì chở, ghe đậu ở đây 20.000 đồng/chiếc!”. Biết không thể thoát được, anh Tâm đành móc hai tờ 10.000 đồng đưa cho bà Phụng.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn (Giám đốc Công ty Việt Hưng), các ghe chở gạo nói trên đều chờ bán cho công ty của ông. Ngoài trường hợp bà Phụng, một số hộ dân ở cạnh nhà bà Phụng cũng lấy tiền chủ ghe công khai. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm qua, nhưng vì muốn yên ổn làm ăn nên không ai dám phản ảnh.
Ông Đôn kể: “Mấy năm trước các hộ này bắt tôi phải đưa họ 4 triệu đồng/năm gọi là tiền “cho thuê bến nước”. Tôi đã đưa tiền và họ đã ký nhận nhưng vẫn đi lấy tiền chủ ghe hằng ngày”.
Chúng tôi tìm được giấy thỏa thuận ký ngày 4/6/2014 giữa Công ty Việt Hưng và ông Tô Văn Hui ở ấp Hậu Vinh. Theo đó, ông Hui “đồng ý cho Công ty Việt Hưng thuê 50m bến nước dùng làm nơi neo đậu phương tiện thủy. Thời gian thuê từ 14/8/2014 đến 14/8/2015, tiếp nối với giấy thỏa thuận năm 2013-2014. Giá cho thuê là 4 triệu đồng”.
Như vậy ông Hui tự ý cho thuê sông của Nhà nước lấy tiền của doanh nghiệp xảy ra từ năm 2013 đến nay. Theo nhiều chủ ghe, dù Công ty Việt Hưng đã nộp tiền thuê “bến nước” nhưng mỗi lần neo đậu gần nhà ông Hui, bà Phụng... họ đều phải nộp tiền cho chủ nhà 20.000 đồng/ghe.
Công ty Hồng Nhựt của ông Nguyễn Văn Nhanh ở cặp sông Thông Lưu cũng đang khốn khổ vì nhiều thương lái không dám chở gạo đến bán.
Ông Nhanh cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, một số hộ dân ở gần công ty đã “trấn lột” chủ ghe từ 30.000-50.000 đồng/ghe. Những người không chịu nộp tiền sẽ bị chửi mắng nên nhiều người không chịu nổi đã tìm doanh nghiệp khác để bán gạo.
Ông Nhanh đã phản ảnh việc này đến UBND xã Hậu Thành đề nghị can thiệp.
“Mua đường” 2 năm 40 triệu đồng
Trụ sở và kho chứa gạo của Công ty Việt Hưng (ở ấp Khu Phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành) cách mặt tiền quốc lộ1 khoảng 350 m. Xe tải và xe container muốn vào đây nhận hàng phải đi theo đường công cộng rộng 6 m bên dưới cầu Thông Lưu.
Tuy nhiên, mỗi lần xe container vào đây rất vất vả vì hộ ông Lê Hoàng Minh ở đầu đường lắp mái che ra sát đường.
Theo yêu cầu của ông Minh, ngày 2/3 vừa qua Công ty Việt Hưng đã ký thỏa thuận “mua” sự thông thoáng ở góc đường trước nhà ông với giá 20 triệu đồng/năm. Công ty này phải chi một lần cho hai năm, tức 40 triệu đồng.
Theo thỏa thuận bằng văn bản, ông Minh đồng ý mở rộng phần góc đường cho xe container của Công ty Việt Hưng ra vào nhận hàng xuất khẩu, không làm khó dễ khi xe ra vào nữa.
Trong khi đó, theo ông Trần Hữu Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Hậu Thành, phần đất mà ông Minh căng mái che gây cản trở xe container vào kho Công ty Việt Hưng có diện tích 7,9 m2 là đất công.
Trước đó, ngày 26/9/2015, ông Nguyễn Văn Dỡn, người ở cạnh Công ty Việt Hưng, gửi cho công ty này văn bản “Thông báo về việc đề nghị thuê mặt bằng”. Theo đó, ông Dỡn yêu cầu công ty phải thuê một phần diện tích đất của ông để xe ra vào.
Tuy nhiên, Công ty Việt Hưng không chấp nhận yêu cầu của ông Dỡn vì cho rằng đường đi công cộng, xe ra vào không ảnh hưởng đến đất của ông này. Ngoài việc đòi thu tiền của công ty, ông Dỡn còn thu tiền của tài xế ra vào kho lấy hàng và thu tiền của chủ ghe chở gạo neo đậu trên sông trước nhà ông.
Mời quý độc giả xem video: