Khốn khổ với thói kể công của các bà vợ
Hầu hết các bà vợ còn có thói quen kể lể công sức của mình về những việc nhà với chồng.
Không chỉ liệt kê những việc phải làm ở nhà với những người bạn khi có dịp tán gẫu, hầu hết các bà vợ còn có thói quen kể lể công sức của mình về những việc nhà với chồng.
Đó là lời khẳng định của 4 gã đàn ông chúng tôi khi quan tâm hỏi han về cuộc sống gia đình mỗi người. Chúng tôi học cùng lớp với nhau 12 năm, từ lớp 1 đến lớp 12. Ra trường, mỗi đứa chọn một trường đại học, một nghề nghiệp theo khả năng và đến năm 30 tuổi, tất cả đều ổn định với vợ đẹp con khôn.
Đàn ông thường rất ít khi chia sẻ chuyện gia đình mà thường về công việc, rồi tán chuyện xã hội, thế giới. Nhưng không chia sẻ không có nghĩa là không có chuyện đau đầu, mà một trong các vấn đề khiến cánh đàn ông đều cảm thấy ức chế mà không biết làm thế nào, đó là việc một số bà vợ thường xuyên kể công của mình đến mức trở thành thói quen khó bỏ.
|
Ảnh minh họa. |
Thói quen này hình thành từ khi có một đứa con – Dũng, chuyên viên kỹ thuật điện ở Cầu Giấy khẳng định. Hai vợ chồng Dũng được bố mẹ cho tiền mua căn hộ để ra ở riêng ngay sau khi cưới. Cuộc sống lúc chưa có con thật bình yên với Dũng vì ngày đưa vợ đến chỗ làm, tối đón về, cơm nước xong hai vợ chồng xem ti vi hoặc đi dạo phố. Thu – vợ Dũng cũng không phải làm gì ngoài việc nấu cơm thì đã có chồng nhặt rau, nói chuyện, giặt đồ bằng máy chỉ việc phơi. Đến khi đứa con đầu lòng ra đời, bao nhiêu thứ cần phải chi tiêu mà hai vợ chồng công chức, mới ra trường vài năm, đồng lương ít ỏi. Nào là tiền sữa cho con, thức ăn đặc biệt cho vợ, nào là quần áo, bỉm… mỗi tháng cũng phải chi thêm vài ba triệu so với khi còn son. Vợ nghỉ sinh và chăm con 6 tháng, Dũng phải nghĩ đến chuyện làm thêm.
Không chỉ làm giờ hành chính, Dũng còn nhận làm cho một công ty tư nhân từ 6 - 9 giờ tối mới về. Cuộc sống gia đình nhờ vậy mà cũng tạm ổn, nhưng cũng từ đấy, Thu bắt đầu tỏ vẻ bực bội về sự vất vả của mình. Lúc đầu thấy vợ khó chịu mỗi khi Dũng nhờ Thu hâm lại canh và thức ăn cho nóng, Dũng cũng chỉ nghĩ vợ lại bị đau đầu, trong người khó ở. Dần dần, mức độ ngày một tăng dần, và đến khi đứa con 2 tuổi, Thu không chỉ thái độ mà còn lên tiếng càu nhàu Dũng vô tâm, để một mình nàng lo tất tần tật chuyện nhà cửa, con cái. Dũng biết mình bận rộn, không phụ vợ được gì, nên chỉ biết thỉnh thoảng khen bà xã khéo tay, cơm ngon, nhà sạch. Chục lần như một, chồng vừa “nịnh” chưa dứt lời đã bị Thu chặn ngang: “Anh mà biết gì, chỉ biết nói mấy lời hoa mỹ. Em ở nhà quần quật suốt, không ngày nào thảnh thơi, đến móng tay dài cũng không kịp cắt, quần áo cũ hết cũng chẳng có thời gian sắm cái mới”.
Từ đó về sau Dũng chẳng muốn nói những lời có cánh nữa. Thu lại nhì nhằng rằng chồng cục mịch, không biết quan tâm ai. Có dịp đi công tác vào Huế, Dũng mua mấy xấp vải, kêu vợ đi đo may. Thỉnh thoảng thấy nhà hết dầu gội, sữa tắm, phấn thơm, chồng cũng tranh thủ sắm hàng xịn. Vậy mà vợ chì chiết suốt, bảo chồng chỉ biết phung phí vớ vẩn. Kể chuyện mới, xới chuyện cũ, không có bữa cơm nào của gia đình mỗi khi Dũng ở nhà mà không kèm gia vị “đặc sản” của Thu.
Còn chuyện than thở của vợ Trung – một nhiếp ảnh gia có tiếng ở Thanh Xuân lại phong phú hơn. Bởi vợ chồng Trung sống cùng bố mẹ. Bao nhiêu chuyện khó chịu ban ngày, tối về Yến – vợ Trung – lại đổ hết lên đầu chàng nhiếp ảnh tài ba này. Bố mẹ Trung sống với hai vợ chồng anh, nhưng lại nuôi một đứa cháu con anh trai Trung – vừa li dị vợ, đưa cháu nội về ông bà chăm, còn mình sang nước ngoài kiếm tiền. Yến được Trung xin cho làm kế toán của công ty gần nhà để tiện chăm sóc bố mẹ, con cái và cháu. Nấu ăn sáng cho cả gia đình đã trở thành thói quen của gia đình Trung từ khi Yến chưa về làm dâu nên khi trở thành vợ Trung, sáng nào Yến cũng phải dậy từ 6h. Chiều đi làm về lại tất bật cơm nước, tắm giặt cho con, cho cháu, lau dọn nhà cửa, tối đến giặt giũ quần áo.
Điều Yến phàn nàn với Trung nhiều nhất là việc cô phải lau dọn cả 5 tầng của tòa nhà, giặt quần áo cho cả nhà trong khi ông bà mới về hưu, không giúp cô một chân một tay. Yến cũng trút hết những cáu giận lên chồng khi bị mẹ chồng góp ý khi cô nấu cơm chưa vừa ý ông bà, khi đứa cháu đã học lớp 3 rồi mà không biết dọn dẹp phòng riêng của mình. Vì ở cùng bố mẹ nên Trung lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn những lời động viên vợ để kìm hãm những bực tức, than thở của vợ dù trong lòng anh cũng rất ức chế. Anh chiều theo ý vợ, đi làm kế toán tại công ty lương chẳng được bao nhiêu trong khi phải đi cả ngày, cô muốn ở nhà để có thời gian gồng gánh hết việc nhỏ to của gia đình.
Đến khi nghỉ ở nhà một thời gian, Yến lại kể lể mình đánh đổi tất cả thói quen café gặp gỡ bạn bè, sở thích shopping để phục vụ cả gia đình nhà chồng. Chưa kể mỗi lần nhà có khách, hoặc anh em nội ngoại tới chơi ăn cơm, y như rằng Yến lại hành hạ Trung cả tháng về việc cô là dâu út mà chẳng khác gì dâu trưởng, việc gì cũng đến tay nhưng chẳng được bố mẹ chồng ghi nhận. Trung ôm đầu khổ sở: Hoàn cảnh nhà tôi thế, các ông bảo làm sao tôi yên tâm vác máy lên vai để đi chụp những bức ảnh mang tính nghệ thuật được, trong lòng lúc nào cũng canh cánh việc chịu trận để gia đình dĩ hòa vi quý.
Đấy chỉ là 2 trong số rất nhiều những kiểu than thở của những người phụ nữ luôn cho rằng, mình là người vất vả nhất trong gia đình. Nhưng ít ai hiểu rằng, cánh đàn ông chúng tôi không hề hứng thú với thói quen này của vợ. Chả lẽ chúng tôi cũng đi kể mình từng thay bóng đèn hỏng, sắp xếp cái kho chứa trăm thứ linh tinh, leo lên mái nhà thông ống thoát nước, sơn lại cánh cổng hay leo tỉa cành trong vườn? Công sức vun vén, xây dựng gia đình của cả người vợ và người chồng đúng là rất lớn, nhưng các bà vợ không cần kể lể, than phiền, cánh đàn ông chúng tôi vẫn thấy và vẫn luôn trân trọng những sự hi sinh thầm lặng ấy. Không biết những người phụ nữ có liên quan tới câu chuyện đau đầu này của cánh đàn ông chúng tôi có hiểu điều ấy không?