Từ lâu nước dừa tươi đã trở thành một thức uống bổ dưỡng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Trong nước dừa tươi có chứa các chất: protein 0,3%, chất béo 0,2%, đường 4,7%, các chất khoáng Ca, Na, K. L, P, Fe... các vitamin C, PP… rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng: giải nhiệt, tăng cường năng lượng, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, ngăn ngừa sỏi thận. Tuy nhiên, có rất nhiều người không thể sử dụng loại nước này mà không hay biết.
Trong nước dừa có nhiều thành phần tốt cho sức khoẻ. |
Ai không nên uống nước dừa?
Tuy nhiên, ít người biết rằng lạm dụng nước dừa cũng có thể gây nguy hại. Trong chương trình Ngon và lành (VTC14), bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Đại học Y dược TP HCM, cho biết: "Dừa chứa nhiều kali và kiềm, tính axit mạnh hơn tính kiềm, nhưng cơ thể chúng ta cần tính kiềm để giúp cân bằng, làm mạnh cơ lực".
Vì vậy, người đang chơi thể thao, người tạng hàn, tiểu đường và phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên uống nước dừa. Các chuyên gia cũng khuyên không nên uống quá 2-3 trái dừa mỗi ngày và không sử dụng thay nước lọc.
Ngoài ra, dừa nên uống ngay sau khi bổ. Loại quả này có nhiều kali nhưng ít natri, vì vậy khi uống bạn nên thêm một chút muối để cân bằng dinh dưỡng. Người già, trẻ em vừa ở ngoài trời nóng cũng không nên uống nước dừa ngay, thay vào đó, sử dụng một ly nước ấm sẽ có lợi cho cơ thể nhiều hơn.
Bạn đã uống đúng cách?
Dừa là nước uống giải khát nhưng không được uống ngay khi đi trời nắng về vì dễ gây ớn lạnh, đầy bụng hoặc có thể gây sốt.
Với những người vừa thi đấu thể thao hoặc làm những công việc nặng nhọc, mất sức cũng không nên uống nước dừa, sẽ khiến chân tay bủn rủn, giảm sức bền.
Theo TS Giang, uống nước dừa đúng cách là uống từ từ từng chút một, không nên uống kèm với đá lạnh và các hoá chất khác, đặc biệt vào buổi tối vì có thể khiến cơ thể bị cảm lạnh do cộng dồn cùng lúc nhiều yếu tố âm.