Theo BCTC soát xét bán niên 2024 của CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC), doanh thu ghi nhận 2,6 tỷ đồng, giảm 77,8% so với báo cáo tự lập trước đó do điều chỉnh giảm doanh thu của các hợp đồng tư vấn.
Kỳ này, chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay, lãi trái phiếu) và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm nhưng vẫn ở mức cao với ghi nhận lần lượt 27 tỷ đồng và 25,9 tỷ đồng.
Khoản thu nhập khác tăng 60%, lên 66 tỷ đồng nhờ ghi nhận các khoản bồi thường do thanh lý hợp đồng.
Kết quả, doanh nghiệp này chuyển lãi thành lỗ sau soát xét với điều chỉnh ghi nhận lỗ sau thuế hơn 10 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập trước đó NRC báo lãi 7,1 tỷ đồng.
Lãi thành lỗ 10 tỷ sau soát xét, Danh Khôi chịu áp lực dòng tiền. |
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Ngoài việc lãi thành lỗ, trên BCTC soát xét bán niên 2024 của NRC còn ghi nhận kết luận ngoại trừ. Theo đó, đơn vị kiểm toán cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đã ghi nhận khoản thu nhập từ việc phạt vi phạm hợp đồng với CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings (bên liên quan) với giá trị 66 tỷ đồng.
Khoản tiền này được Công ty sử dụng để hợp tác kinh doanh theo hợp đồng ngày 27/06/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm lập BCTC, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng để đánh giá tính hiệu quả của việc hợp tác kinh doanh trong ngắn hạn từ việc sử dụng dòng tiền từ khoản thu nhập kể trên.
Mặt khác, đơn vị kiểm toán đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh liên quan đến việc nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của NRC.
Giải trình về ý kiến ngoại trừ, NRC cho biết đặt trưng của hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 27/06/2024 là dài hạn, Công ty sẽ ghi nhận doanh thu trong khoảng thời gian gần cuối chu kỳ của việc hợp tác nên hiện tại các bằng chứng Công ty cung cấp cho kiểm toán chưa thể thuyết phục về mặt thể hiện tính hiệu quả của việc hợp tác trong ngắn hạn.
Liên quan đến việc hợp tác kinh doanh thì tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức ngày 25/06/2024, Ban điều hành NRC cho biết đã làm việc, tìm hiểu rất nhiều dự án theo chiến lược là tập trung vào khu đô thị thấp tầng, có sản phẩm rồi, có hạ tầng, có sổ để tạo thanh khoản, tạo đột phá mới trong năm 2024.
Trong phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành 100 triệu cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Công ty dự định sẽ dùng 195 tỷ đồng để mua một phần khu dân cư Đại Nam (Quốc lộ 13, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thanh, tỉnh Bình Phước); 180 tỷ đồng để mua một phần dự án tại khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng – Hàm Liêm (Quốc lộ 1, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Áp lực dòng tiền lớn
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của NRC đạt 2.074,3 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là các khoản phải thu khác với 1.700 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu từ hợp tác kinh doanh.
Theo thuyết minh BCTC soát xét bán niên 2024 của NRC, 6 tháng đầu năm, NRC góp vốn đầu tư thêm vào Khu C, Khu D, dự án Khu nhà ở Đại Nam, phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với CTCP Abfast và dự án Khu du lịch The Balé - Mũi Né tại phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Tân Tiến với tổng số dư đã góp vốn tại ngày 30/6/2024 ở cả 2 dự án là 455,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ngày 30/6, đa số các dự án hợp tác kinh doanh của NRC đang bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thu hồi gốc và chia lãi.
Hiện, NRC chỉ có dự án phát triển đô thị tại các Phân khu 2, 4, 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội đã được ghi nhận đầy đủ lợi nhuận phân chia và đang thu hồi vốn gốc.
Tính đến ngày 30/6, nợ phải trả của công ty là 796 tỷ đồng. Công ty có nợ vay tài chính ở mức 388,7 tỷ đồng (342,4 tỷ đồng là nợ ngắn hạn), trong đó, dư nợ trái phiếu là 256,75 tỷ đồng. Nợ trái phiếu đã quá hạn thanh toán là 139,5 tỷ đồng và lãi 24 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NRC cũng còn nợ thuế 102,2 tỷ đồng; chi phí lãi chậm nộp các khoản thuế là 25,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng còn khoản phải trả người lao động gần 6,8 tỷ đồng.