Tam Quốc Diễn Nghĩa là một trong “Tứ đại danh tác” của Trung Quốc. Vào thế kỷ 14, La Quán Trung đã viết ra cuốn tiểu thuyết dã sử này và kể từ đó đến nay, nó trở thành quyển sách “gối đầu giường” với rất nhiều người. Sau này, các bộ phim dựa trên Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng vô cùng nổi tiếng.
Khán giả đã quá quen thuộc với những Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, Gia Cát Lượng, Trương Phi hay Quan Vân Trường… Trong đó, mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng là vô cùng khăng khít. Hai người họ, một là người đứng đầu nhà Thục Hán, người còn lại là quân sư, một trong những khai quốc công thần của Thục Hán. Cặp đôi này như cá với nước, thật sự là “trời sinh một cặp”.
Ảnh minh họa. |
Điển tích Lưu Bị 3 lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuất núi cùng minh mưu tính đại sự gần như ai cũng biết. Hay những lần Gia Cát Lượng tiên đoán như thần, giúp Lưu Bị gầy dựng cơ đồ cũng đã quá nổi tiếng.
Thế nhưng, suy cho cùng Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng chỉ là tiểu thuyết dã sử chứ không phải chính sử, cách nhìn, cách kể chuyện của La Quán Trung mang đậm tư tưởng, quan điểm của ông. Theo Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI, chính sử lại cho thấy quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng không hề thân thiết như La Quán Trung cho khán giả thấy.
Cụ thể, các sử gia nhận định Khổng Minh không phải người được Lưu Bị ưu ái nhất tại nước Thục, cũng không gần gũi như chúng ta nghĩ. Sau trận Xích Bích, Lưu Bị bắt tay vào chiến dịch giành Tây Xuyên. Bấy giờ Gia Cát Lượng nắm giữ Kinh Châu nhưng Lưu Bị vẫn dùng Bàng Thống và Pháp Chính làm trợ thủ, về sau mới điều Gia Cát Lượng đưa quân vào Tây Xuyên.
Trong cuộc chiến giành Hán Trung, Pháp Chính mới là trợ thủ chính cho Lưu Bị, còn Gia Cát Lượng chỉ làm công tác hậu cần. Vị trí của Gia Cát Lượng trong mắt Lưu Bị khi này luôn đứng sau Pháp Chính.
Cũng có nhiều tài liệu lịch sử chỉ ra, Lưu Bị rất tin tưởng Quan Vũ. Ông giao cho vị tướng này trấn thủ Kinh Châu nhưng đáng tiếc cuối cùng nơi đây vẫn thất thủ. Lưu Bị phải điều binh đánh Ngô, nhưng khi này vẫn không cho Gia Cát Lượng tham gia, không để ý đến ý kiến của vị quân sư.
Sau cuối, khi quân Thục Hán rơi vào thất bại thảm hại, Gia Cát Lượng đã phải thốt lên rằng: “Nếu Pháp Chính ở đây tất khuyên được Chủ không tiến quân sang phía đông, giờ tiến quân sang đông, tất rơi vào hiểm nguy” . Điều đó cho thấy bản thân ông cũng hiểu Lưu Bị xem trọng lời nói của Pháp Chính hơn mình nhiều.
Giới học giả cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng ngoài đời không thân thiết được như trong tiểu thuyết và phim. Đầu tiên, tư duy chiến lược của họ vốn đã khác nhau. Gia Cát Lượng cho rằng Lưu Bị phải chiếm Kinh Châu và Ích Châu mới củng cố được quyền lực. Trong khi đó, Lưu Bị lại là người theo chủ nghĩa cơ hội, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt chứ không suy tính lâu dài. Vì vậy ông muốn chiếm cứ một phương để xưng vương trước. Ý tưởng liên kết với Ngô của Gia Cát Lượng bởi thế không được coi trọng.
Thứ hai, Lưu Bị không tin Khổng Minh là vì anh trai đối phương – Gia Cát Cẩn là người giữ trọng trách ở nước Ngô. Ông ta cũng từng là sứ thần của nhà Ngô sang Kinh Châu thương lượng. Mối quan hệ đó khiến Lưu Bị cảnh giác với Gia Cát Lượng rất nhiều.
“Độc thiên niên luận” của Vương Phu Chi cho rằng, Lưu Bị không tin Gia Cát Lượng bằng Quan Vũ vì nghi ngờ mối quan hệ giữa Lượng và Đông Ngô. Thậm chí, Lưu Bị còn nghi Lượng thông đồng với Tử Du. Việc ông ta gửi Lưu Thiện ở Bạch Đế Thành, để Gia Cát Lượng nhận làm con nuôi cũng chỉ là bất đắc dĩ. Bấy giờ Lưu Bị sắp lâm chung, mâu thuẫn giữa Ích Châu và Kinh Châu càng ngày càng căng thẳng nên cần tìm chỗ dựa cho con trai. Pháp Chính, Bàng Thống đều đã mất, chỉ còn Gia Cát Lượng đủ trình độ mà thôi.