Nhà trẻ bán trú dành cho thú cưng
7h sáng, chú chó giống Samoyed tên Xe Đạp, nặng hơn 30kg, được chị Vũ Ngọc Minh Hà (27 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) đưa đến gửi "lớp mẫu giáo" gần nhà. Sau bữa sáng được chế biến từ rau và thịt, Xe Đạp chơi cùng "các bạn", tắm bể bơi, ngủ trưa 2 tiếng, "thưởng thức" quà chiều, đi dạo, đợi đến 18h được chủ đón về.
Hôm nào bận, chị Hà gửi chìa khóa cho nhân viên trung tâm, đưa chú chó Xe Đạp về tận nhà.
Mỗi ngày đến lớp của chú chó Xe Đạp đều diễn ra như vậy suốt 3 năm qua. Mức học phí trung bình 4 triệu đồng/tháng. Tùy những tháng cao điểm, thú cưng buộc gửi lại lớp qua đêm, mức giá tăng lên 5 triệu đồng.
Chị Hà nhận thấy mức giá phù hợp để mua sự yên tâm, tin tưởng và hài lòng khi sử dụng dịch vụ.
"Từ ngày đi học, thú cưng sinh hoạt điều độ, biết cách giải phóng năng lượng, rèn luyện sức bền giúp cơ thể khỏe khoắn", chị Hà nói.
Trước đó, năm 2019, chú chó Xe Đạp cũng từng tham gia khóa huấn luyện nghiệp vụ tại một cơ sở ở huyện Gia Lâm (Hà Nội). Chú cún được xã hội hóa, biết cách ăn, chơi và tính kỷ luật, nên khi "gửi nhà trẻ", chó hòa nhập nhanh, thân thiện và ngoan ngoãn.
Ngoài ra, vợ chồng Minh Hà còn dành thời gian du lịch với thú cưng. Chuyến đi gần nhất kéo dài gần nửa tháng tại Đà Nẵng - Hội An bằng tàu hỏa và ô tô. Thỉnh thoảng, Xe Đạp cũng được cho leo núi, tham quan Hòa Bình, Ba Vì,…
Cách đây 3 năm, cơ sở chăm sóc thú cưng của anh Tạ Quốc Hải (29 tuổi, Hà Nội) bắt đầu phát triển dịch vụ "gửi thú cưng đi nhà trẻ".
Trung tâm có 6 phòng, có phòng dành riêng cho mèo. Lớp học nhận cún từ 3 tháng tuổi với điều kiện khỏe mạnh, đã tiêm phòng đủ các loại vaccine. Theo anh Hải, các lớp học duy trì thường xuyên 50 chú chó, học từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần ở nhà chơi hoặc đến lớp tỉa lông, tập bơi.
Mỗi sáng từ 6-7h, chủ nhân hoặc nhân viên đón thú cưng đến lớp, tan học từ 5-6h chiều. Thú cưng nhỏ có thể đặt trong túi chuyên biệt, chở đến trường bằng xe máy. Cún lớn hơn có thể sử dụng ô tô để đảm bảo an toàn khi vận chuyển.
Mỗi cún cưng đều có balo khắc tên riêng biệt, khẩu phần ăn được chủ nhân mang theo hoặc được nấu riêng tùy theo sở thích.
Cơ sở có 10 "giáo viên" thay ca liên tục, mỗi người phụ trách từ 10-20 "học sinh". Đặc thù công việc yêu cầu nhân viên phải yêu thương, thậm chí đam mê thú cưng, không ngại khó khăn và sẽ được dạy thêm về các kỹ năng.
Mức học phí phụ thuộc cân nặng của thú cưng, trung bình từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày, khoảng 3-5 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm chi phí đưa đón.
"Các gia đình có thể truy cập vào tất cả camera để theo dõi hoạt động của các thú cưng", anh Hải cho hay.
Gửi thú cưng đi nhà trẻ là có phần thái quá?
Theo anh Hải, 70% khách hàng gửi chó đi nhà trẻ là người nước ngoài, sinh sống và làm việc gần quận Tây Hồ. Số còn lại là khách Việt.
Lý giải điều này, anh cho hay, nhiều người nước ngoài dù độc thân hay đã lập gia đình, đều lo sợ thú cưng ở nhà một mình bị căng thẳng hoặc buồn chán trong thời gian họ làm việc. Nếu được gửi đến lớp, cún hòa đồng, giao lưu cùng "các bạn" và biết cách nghe lời.
Trong khi đó, các gia đình Việt chưa có thói quen này. Họ cho rằng, chó vẫn có thể tự chơi hoặc chơi cùng các thành viên khác nếu chủ đi vắng.
"Chúng tôi coi Xe Đạp như thành viên trong gia đình, dành mọi sự yêu thương và chăm sóc. Hai vợ chồng đều đi làm cả ngày nên không muốn chú chó cưng ở nhà một mình", chị Minh Hà cho biết.
Thời gian đầu, chị thừa nhận nhiều người nói rằng việc gửi chó đi nhà trẻ là có phần thái quá, thậm chí đắt hơn tiền.
"Tôi từng rất không hài lòng vì những lời đàm tiếu, nhưng về sau, tôi không còn tranh cãi nữa. Khi người ta đã không hiểu, thì cố gắng giải thích cũng không được. Tôi tập trung làm việc khiến bản thân hạnh phúc, không ảnh hưởng người khác", Hà khẳng định.
Còn anh Hải hi vọng thời gian tới có thể mở rộng mô hình nhà trẻ dành cho thú cưng, giúp thay đổi nhận thức của mọi người.
"Nếu nhu cầu tăng cao, khách hàng cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của dịch vụ, từ đó sẽ hạn chế những lời đàm tiếu", anh Hải nói.