Nếu không người mất sẽ về... mang cây đi làm cây chết theo. Người làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội đang tin là như vậy.
Người chết về... đòi cây (?)
Làng Triều Khúc, xã Tân Triều bây giờ đang dần được đô thị hóa khi những tên phố thế chỗ cho tên ngõ, tên làng, với những nhà cao tầng mọc lên san sát. Vậy nhưng, không khó để người ta nhận ra dáng dấp của một làng quê khi những “luật làng” vẫn được người Triều Khúc lưu giữ, bảo tồn. Thậm chí, có những tục lệ dưới góc nhìn của người trẻ đã trở thành “cổ hủ”.
Bà Triệu Thị Dung năm nay 67 tuổi, người gốc ở làng. Bà cho hay, một trong những tục lệ mà làng bà còn giữ được đến hôm nay là tục “chở tang” cho cây. Theo đó, khi trong nhà có người mất, người nhà phải quét vôi lên toàn bộ cây cối trong vườn. “Tục lệ đó có từ bao giờ, chẳng ai biết được. Chỉ nhớ là khi chúng tôi lớn lên đã thấy có tục lệ này rồi, nhà nào cũng theo bởi đó là luật làng. Nếu không, người ta tin rằng hồn người chết sẽ về mang cây cối đi, làm cây cối cũng chết theo”, bà bảo. Chuyện nghe ra tưởng như mê tín, hoang đường, ấy thế nhưng bà Dung một mực cam đoan “đó là sự thực”. Bởi lẽ, bà đã kiểm chứng từ chính cái chết của cậu con trai cả.
Vợ chồng bà Dung có 4 người con, giờ đều đã yên bề gia thất, nhà cửa đàng hoàng. Anh con trai cả của ông bà, tên Huy, vốn là người thích chơi cây cảnh. Cách đây vài năm, khi thương lái Trung Quốc sang mua cây sanh với giá lên tới hàng chục triệu đồng/cây, tạo thành cơn sốt khiến nhiều người làng bà bán đất đai, cầm cố nhà cửa đổ xô đi thu gom cây về trồng, chờ sinh lợi. Anh Huy cũng đầu tư vườn cây gần một tỷ đồng theo cơn sốt ấy. Vậy nhưng, chẳng ai biết được chữ ngờ khi sau đó, cơn sốt lắng dần rồi tắt hẳn. Vườn cây cảnh của anh Huy tươi tốt mà chẳng bán được cho ai, cứ lay lắt cầm cự qua ngày.
Bà Dung xác nhận, cây khế này sống được là nhờ đã “chở tang” con trai mình. |
Trước Tết vừa rồi, anh Huy tìm được hai củ khoai lang nặng 1,5kg và 3,8kg, đem về trồng trong nhà tạo cảnh. “Hai khóm cây ấy tươi tốt lắm, đặt bên cửa sổ leo mọc dài tới cả mét, ai đến nhìn cũng thích. Ở làng tôi có lệ, Tết sẽ tổ chức hội chợ cây cảnh, nhà nào có cây đẹp mang ra trưng bày. Có người trả cho con tôi 15 triệu đồng/chậu cây khoai lang 3,8kg nhưng con tôi không bán, bảo giữ lại làm kỷ niệm”, bà Dung kể.
Thế nhưng, cách đây hơn hai tháng, anh Huy mất. Bà Dung xác nhận: “Trong lúc tang gia bối rối, chẳng ai nhớ ra mà “chở tang” cho hai chậu khoai lang này. Ai ngờ hai chậu khoai lang cứ héo dần rồi chết. Còn vườn cây cảnh tươi tốt kia cũng héo úa dần. Chồng tôi giục các con phải “chở tang” cho anh, nhưng các con gạt đi, bảo tục cổ hủ thì theo làm gì. Chồng tôi liền tự quét vôi lên một chậu cây khế, sau đó cây sống lại. Lạ lắm! Vườn cây kia cũng được con dâu tôi bán đi với giá chưa đầy 40 triệu đồng”.
Đoạn, bà Dung thở dài: “Thôi thì người chết cũng đã chết rồi, âu cũng là cái số. Có điều, nếu như chúng tôi nhớ ra mà để tang cho cây thì có khi hai chậu khoai lang kia vẫn còn sống, coi như giữ lại được kỷ vật đẹp của con trai tôi”.
Người làng Triều Khúc vẫn giữ được tục để tang cho cây cối trong vườn. |
Cây chết theo người chỉ là sự linh thiêng hóa
Tôi đem câu chuyện về tục để tang cho cây hỏi các nhà nghiên cứu văn hóa để phần nào lý giải nguồn gốc, ý nghĩa của tục lệ này. PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học xác nhận: Trước đây, tục lệ này khá phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thế nhưng nó bị mai một dần từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Hiện, chỉ một số nơi vẫn còn lưu giữ.
Theo ông Đính, bản chất của tục lệ này là xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn). Theo đó, những cây lâu năm được cho là có hồn thiêng nên ở nhiều nơi, người ta lập đền thờ nhằm cầu cho cây sống lâu, chẳng thế mà có câu “thần cây đa, ma cây đề”. Ở một số tộc người, cây cổ thụ còn được cho là tô tem (có mối liên hệ với dòng họ) nên được dòng họ bảo vệ rất cẩn thận để nó khoẻ mạnh mà phù hộ lại cho dòng họ đó. Ở phương diện khác thì một cây phát triển lâu năm trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh của cộng đồng, do vậy nó cũng được chăm sóc, bảo vệ chu đáo.
Cũng theo ông Đính, người xưa quan niệm giữa hồn của cây và hồn của con người có mối liên hệ với nhau. Vậy nên không chỉ khi cây chết đi, người chủ của nó sẽ buồn mà ngược lại, khi người mất thì cây cũng buồn theo bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Do đó, người ta sẽ quét vôi vào cây với hàm ý giúp nó “để tang” chủ. Tuy nhiên, thông thường người ta chỉ để tang cho những cây trồng được nhiều năm trong vườn nhà, vì chỉ khi ấy giữa hồn người – hồn cây mới có mối giao hòa nhất định. Còn những cây dù to lớn nhưng mới trồng thì không cần phải theo tục lệ này.
GS Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Đại học Quốc gia TPHCM bổ sung: Sở dĩ có tục để tang cho cây là bởi người Việt làm nông nghiệp nên gắn bó với đất đai, cây cối cùng những gì làm cho cây cối sinh sôi nảy nở như mặt trời. Từ đó có tín ngưỡng thờ thần đất, thần cây, thần mặt trời. Trong trường hợp để tang cho cây thì đó không phải là tín ngưỡng mà thể hiện sự gắn bó giữa con người với cây cối. “Ở nhiều nơi, đặc biệt miền Tây Nam Bộ ngày nay rất phổ biến tục lệ vào ngày Tết, người ta sẽ buộc những tờ giấy đỏ, băng màu đỏ vào cây cối, chum vại với mong muốn mọi sự tốt đẹp, tươi vui”, ông Thêm cho biết.
Như vậy, có thể thấy việc để tang cho cây là một cách thể hiện mối giao hòa giữa con người – cây cối. Vậy phải chăng khi không để tang cho cây, cây sẽ theo người mà chết? GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, để khẳng định điều đó đúng hay sai cần có nghiên cứu khoa học cụ thể. Tuy nhiên, “khả năng này tôi cho rằng không hoàn toàn đúng. Bởi rất có thể đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Người ta thấy một cây trong vườn chết đi rồi bảo cây đó tiếc thương mà đi theo người chủ đã khuất của mình chỉ là một hình thức để người ta linh thiêng hóa câu chuyện, làm cho nó thêm ly kỳ, thêm có hồn mà thôi”.
Mặc dù vậy, cả GS Trần Ngọc Thêm và PGS.TS Bùi Xuân Đính đều cho rằng, tục để tang cho cây là một tục lệ có ý nghĩa tốt đẹp. “Có điều bây giờ, trong nhịp sống hiện đại, người ta dần bỏ đi tục lệ đó cũng là lẽ thường tình”, ông Đính tiếc rẻ.
“Ở một số tộc người vùng Đông Bắc như Sán Dìu, Sán Chay, một bộ phận người Tày vẫn có tục lệ là khi trong nhà có người mất thì bên cạnh việc để tang cho cây, lúc con cháu từ mộ người chết về nhà sẽ phải mang theo nắm đất lấy từ mộ để ném vào gốc cây to trong vườn, thậm chí ném cả vào trâu bò, lợn gà với hy vọng hồn người chết sẽ được chia sẻ với cây cối, vật nuôi, từ đó mà phù hộ cho cây cối, vật nuôi phát triển”.
PGS.TS Bùi Xuân Đính