500 giống ớt độc lạ trên đất Mỹ
Hà Thành Nhân, 32 tuổi, chuyên gia kỹ thuật CT/MRI bệnh viện, hiện sống và làm việc tại thành phố Oklahoma, thuộc tiểu bang Oklahoma, Mỹ. Anh sinh ra và từng sống ở quận 12, TPHCM, sang Mỹ định cư từ năm 10 tuổi.
Cách đây 3 năm, Nhân bắt đầu trồng một vài giống ớt để phục vụ nhu cầu bữa ăn hàng ngày. Sau thời gian tìm hiểu, anh được biết ớt rất đa dạng từ giống loại đến màu sắc, kích cỡ, thậm chí nhiều loại có biệt danh cay nhất thế giới nhưng ít người trồng.
"Tôi muốn thử sức mình với ớt, nên mỗi năm trồng 50-100 loại khác nhau", Nhân nói từ sự thắc mắc và tò mò đã đem đến cho anh niềm đam mê độc lạ.
Đến nay, anh đã trồng 500 loại ớt của tất cả 5 châu lục, kèm bộ sưu tập 3.000 hạt giống, khám phá thêm nhiều hương vị khác nhau. Thách thức với anh, là nếu không gieo hạt thành công, sẽ mất luôn loại ớt đó.
Mỗi lần phát hiện một giống ớt mới, anh Nhân rất vui, chỉ muốn trồng ngay lập tức. Quá trình sưu tầm ớt giúp anh làm quen những người bạn mới cùng sở thích, hình thành một cộng đồng chia sẻ kiến thức về những loại ớt hiếm. Những ánh mắt và lời khen ngợi của họ khi đến thăm "thành quả" tiếp thêm cho anh động lực bất tận.
Trong khu vườn 300m2 sau nhà, chàng trai Việt trồng ớt bằng các thùng nhựa 17 lít, theo ba hàng, mỗi hàng chứa tối đa 10-20 cây, để tiện tưới nước và bón phân.
Anh chú trọng làm đất mềm, mịn và dễ thoát nước, rồi bón thêm phân gà, trùn quế và một ít phân bò. Mỗi 2 tuần, anh tưới một lần phân cá, giúp cây tăng trưởng tốt hơn.
"Tôi dành cả thanh xuân để trồng ớt chắc cũng không đủ, vì mỗi năm lại có thêm nhiều giống mới", Nhân cười.
Quá trình "tuyển chọn" ớt, "người nông dân" 32 tuổi này chú trọng về hình dạng bắt mắt, màu sắc, hương vị và cách ra trái. Bên cạnh những loại sai trái, thì một vài giống siêu cay thường ít trái hơn.
Trong các giống ớt đã trồng, Nhân ấn tượng với dòng ớt siêu cay Chocolate Bhutlah; hay ớt Aji Charapita màu vàng đắt nhất thế giới; dòng Thunder Mountain longhorn dài nhất thế giới, nhiều trái có chiều dài bằng nửa cánh tay.
Ngoài ớt cay, anh cũng thử trồng họ ớt ngọt hương vị trái cây, như Apple Crisp, Peachadew, Ancient Sweet, Lesya,…
Đặc biệt, anh còn thành công lai tạo ra một số giống ớt có vị cay và độ thơm vừa phải, chịu nắng tốt và cho nhiều trái. Anh tự đặt tên cho chúng, như: Fireblast, KS Lingria Pretty in purple, Pineapple Habanero Sweet Moruga,…
Theo anh, ớt mang lại cho người ăn nhiều vị khác nhau như chua, ngọt, đắng, cay, thậm chí siêu cay như "tra tấn". Mùi hương nhẹ hay nồng tùy thuộc từng loại ớt.
"Tôi cũng đã nếm thử hơn 500 loại ớt, để biết hương vị và quyết định có trồng lại trong thời gian tới không", Nhân cho hay ớt cũng cung cấp nhiều vitamin bổ dưỡng cho sức khỏe.
Mỗi lần thu hoạch ớt, nhìn những hàng cây trĩu trái đủ màu sắc, là một niềm vui khó tả của Hà Thành Nhân. Anh gọi đây là thành quả sau quá trình gieo từng hạt giống bé tẹo, nuôi dưỡng và chăm sóc miệt mài.
Đợt chín rộ, khu vườn ớt cho từ 15-20kg, trung bình một cây "đóng góp" một kg thành phẩm.
Sau khi hái, anh sẽ phân loại, chia từng túi, ghi tên để tránh nhầm lẫn. Phần lớn anh đem tặng gia đình, bạn bè. Số còn lại được dùng làm tương ớt, bột ớt hoặc cất vào tủ đông.
Nhiều người vẫn thường hỏi anh Nhân "Sao trồng nhiều ớt thế?", "Không thể nào ăn hết được".
"Ban đầu, tôi cũng không nghĩ sẽ trồng và sưu tầm nhiều loại ớt như vậy. Nhưng sở thích đã biến thành đam mê, thôi thúc tôi khám phá qua sách vở, Internet để tạo giống và học cách trồng những loại ớt ít người biết đến", anh chia sẻ.
"Ngày nào tôi cũng có niềm vui trong mảnh vườn nhỏ"
Ngoài ớt, chàng trai Việt còn trồng những loại hồng quý hiếm của David Austin; thược dược; xen kẽ nhiều rau quả như bí, bầu, lê, táo, ổi, chanh, quýt, cóc, sơ ri, đào, hồng giòn, táo tàu, khế, cóc, chanh thái và cả chùm ruột.
Do ít người Việt Nam sinh sống tại tiểu bang Oklahoma, anh Nhân gặp nhiều khó khăn tìm mua giống cây thuần Việt. Có lần, anh phải chạy xe hơn 500km chỉ để mua một cây sơ ri.
Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến anh "lao đao" chăm sóc khu vườn, buộc đem một số cây vào nhà trú đông.
"Suốt nhiều năm, do không hợp thời tiết, cây ăn quả Việt Nam không ra trái. Nhưng tôi vẫn muốn trồng chúng, để vơi nỗi nhớ quê hương", anh Nhân tâm sự.
Mỗi ngày, anh đến bệnh viện lúc 7h30 sáng, tan ca lúc 16h. Về đến nhà, anh chỉ muốn lao ngay ra vườn - nơi bình yên nhất sau những căng thẳng, mệt nhọc của công việc. Lúc này, thời gian như ngừng lại, anh hòa mình vào thiên nhiên, giải tỏa mọi áp lực.
Tranh thủ trước khi trời tối, anh dành 2-3 tiếng tưới nước cho mỗi cây, chưa kể bón phân, cắt lá, tỉa cành,… Với anh, mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ là "quá ít".
"Ngày nào tôi cũng có niềm vui trong mảnh vườn nhỏ. Từ việc nhìn cây lớn từng ngày như những đứa con, cho đến đợt thu hoạch, niềm vui lại nhân lên nhiều lần qua sự thành công", anh tấm tắc.