16 năm đã trôi qua nhưng người dân Mỹ cũng như thế giới không thể nào quên vụ khủng bố 11/9 đẫm máu trong lịch sử xứ sở cờ hoa cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. Cùng với đó là hàng ngàn đứa trẻ mất cha mẹ, trở thành trẻ mồ côi. Chúng phải đối mặt với biến cố lớn trong đời khi mất mát người thân khi còn rất nhỏ, thậm chí có đứa trẻ còn chưa chào đời.
Vụ khủng bố 11/9 là thảm kịch kinh hoàng đối với người dân Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. |
Là một trong những nhà báo có mặt tại hiện trường vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Cindy Rodriguez không thể nào quên cảnh tượng hàng trăm người dân New York thất thần, tìm kiếm người thân đang mất tích mang theo hình ảnh của những người thân đang mất tích.
"Hình ảnh một người phụ nữ với những vệt mascara lem trên khuôn mặt in đậm trong tâm trí tôi. Cô ấy nói rằng, người ta sẽ tìm thấy chồng chưa cưới của cô. Trong những ngày đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng đội cứu hộ sẽ tìm thấy những người còn sống mắc kẹt trong đống đổ nát. Đám đông phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đứng ngoài bệnh viện, chờ đợi những câu chuyện kỳ diệu mà chúng ta đang rất muốn nghe. Tất cả mọi người chờ đợi trong vô vọng. Những phép lạ đã không bao giờ đến", nhà báo Rodriguez nhớ lại.
>> Mời quý vị độc giả xem video chuyện ‘giờ mới kể’ về thảm họa 11/9 tại Mỹ (nguồn: VTC):
Robbie Pycior là người thân của nạn nhân vụ khủng bố 11/9 khi cha của anh là một sĩ quan hải quân thiệt mạng khi nhóm khủng bố lao máy bay vào Lầu Năm Góc 16 năm trước vẫn còn nhớ rõ sự mất mát, đau thương mà anh đã trải qua.
"Tôi từng không dám đối mặt với sự mất mát của mình trong nhiều năm. Chúng tôi đến các cuộc tư vấn tâm lý, tôi sẽ tỏ ra thân thiện với nhân viên tư vấn. Tuy nhiên, sau đó, tôi sẽ ngồi vào một góc và nhìn chằm chằm vào bức tường", anh Pycior nhớ lại khoảng thời gian khó khăn trước sự ra đi đột ngột của người cha.
Về sau, anh Pycior đã dũng cảm đối mặt với nỗi đau mất người thân trong vụ khủng bố 11/9 và giúp đỡ những người khác bị tổn thương giống mình. Anh đã biến đau thương thành sức mạnh khi làm việc cho một chương trình tập hợp thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới mất thành viên gia đình vì khủng bố. Pycior cho rằng hành động giúp người khác vượt qua nỗi đau mất mát, tổn thương khi mất đi người thân cũng chính là giúp chính bản thân anh sống tốt hơn.
Sonia Shah đã vượt qua nỗi đau mất người cha trong vụ khủng bố 11/9 và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. |
Tương tự như Robbie Pycior, Sonia Shah mất cha trong vụ khủng bố 11/9 khi mới 7 tuổi. Vượt qua biến cố lớn từ khi còn nhỏ, Shah mạnh mẽ tiến về phía trước và trở thành sinh viên ĐH Baylor. Vào mùa hè 2016, cô đã tham gia những hoạt động tình nguyện để hỗ trợ những người tị nạn ở Hy Lạp.
Theo chia sẻ của Sonia, cái chết của cha cô đã truyền cảm hứng cho cô làm những công việc giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn.
“Bởi vì tôi đã phải đối mặt với sự mất mát đau thương từ khi còn rất nhỏ nên tôi dễ dàng chia sẻ và đồng cảm với những người gặp khó khăn khác”, cô Shah chia sẻ.