Sau khi đưa tàu đến vùng biển Hoàng Sa, neo lại rồi mang dây hơi lặn xuống để tìm bắt như thường lệ, ngư dân Giàu không tin vào mắt mình khi qua gương lặn là "ổ" hải sâm lớn nhỏ nằm đen kịt, bò lúc nhúc ngay mặt cát phía dưới, với số lượng ước cả ngàn con.
Vùng biển "thủ phủ" của hải sâm
Không như nhiều hải sản khác, loài hải sâm mà đặc biệt là loại vú nàng chỉ sống ở vùng đáy biển có cát trắng không có bùn, hay pha lẫn tạp chất khác, với độ sâu lên đến 40-50m so với mặt nước. Theo ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) thì vùng biển tìm thấy nhiều và được ví là "thủ phủ" của loài hải sản quý này là khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Để khai thác được hải sâm thì hình thức duy nhất là lặn bắt. |
Dù hải sâm bắt được có giá bán tính bằng tiền triệu đồng/kg - một con số vô cùng hấp dẫn và cao hơn gấp nhiều chục lần so với việc đánh bắt các loại tôm, cá... thế nhưng số người hành nghề lặn bắt hải sâm không nhiều.
Theo lời giải thích của ngư dân Lý Sơn, lý do bởi vú nàng nói riêng và hải sâm nói chung sống rải rác, chứ hiếm bầy đàn. Cho nên đến thời điểm này cách khai thác hải sâm duy nhất đó là bằng hình thức lặn và bắt tay, chứ không thể dùng các loại lưới hay câu... Bên cạnh đó, số lượng hải sâm ngày càng ít nên thu nhập từ nghề đánh bắt hải sâm mặc dù vẫn có không ít trường hợp mang lại tiền tỉ đồng/chuyến thế nhưng nghề này bấp bênh và nguy hiểm hơn so với đi khai thác tôm, cá.
Vậy nên dù nổi tiếng khắp cả nước với nghề lặn, thế nhưng hiện ở Lý Sơn số tàu chuyên đi khai thác hải sâm tính ra chưa hết bàn tay xòe, với số lượng ngư dân tham gia chừng 30-40 người.
Kỷ lục của những chuyến đi "săn" hải sâm
Với hơn 20 năm chuyên đi khai thác hải sâm, ngư dân Dương Văn Giàu (40 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) là một trong số hiếm người kỳ cựu ở đây đánh bắt loại hải sản này. Đồng thời ngư dân Giàu còn là người đang nắm giữ kỷ lục về số lượng vú nàng bắt được nhiều nhất trong một chuyến ra khơi.
Một con vú nàng trắng "khủng", với trọng lượng hơn 2,5 kg mà ngư dân Lý Sơn đã bắt được. |
Nhắc lại chuyện cũ, ngư dân Giàu kể: Đó là chuyến đi tại Hoàng Sa vào khoảng tháng 11.2013. Sau khi neo tàu rồi mang dây hơi lặn xuống để tìm bắt như thường lệ, khi lặn xuống chỉ còn cách đáy chỉ vài gang tay, qua gương lặn ngư dân Giàu không tin vào mắt mình khi nhìn thấy "ổ" vú nàng lửa lớn nhỏ nằm đen kịt, bò lúc nhúc ngay mặt cát.
"Trước đó và sau này cũng vậy, dù đã hành nghề nhiều chục năm nhưng điểm nhiều lắm thì cũng chỉ 10 hay vài chục con chứ chưa bao giờ nhìn thấy hải sâm nằm dày đặc trên một khu vực rộng như vậy", ngư dân Giàu nhớ lại. Và phải mất nhiều giờ cùng các thợ lặn đi cùng thay nhau xuống bắt, ngư dân Giàu mới "hốt" trọn ổ vú nàng lửa ước gần 1000 con, với trọng lượng từ 0,6-2 kg/con lên trên tàu.
Ngư dân Giàu và một bình rượu hải sâm.
|
"Dù lượng hải sâm của chuyến đi đó đã khai thác được gần 2 tấn các loại, thế nhưng vì thời điểm bấy giờ riêng giá vú nàng đã hạ chỉ còn khoảng 700.000 đồng/kg nên chỉ bán được khoảng 1,3 tỉ đồng", ngư dân Giàu nói về giá trị bán được của mẻ hải sâm "khủng" bắt được khi đó.
Ngoài ngư dân Giàu, vào khoảng năm 2010, cũng từ khai thác hải sâm sau một chuyến ra khơi, chủ tàu Lê Túc, ở cùng huyện Lý Sơn đã bắt được khoảng 1,3 tấn và bán trên 1,6 tỉ đồng. "Tuy số lượng hải sâm nói chung mà chủ tàu Túc đã khai thác ít hơn, nhưng do vào thời điểm 2010, giá vú nàng lên khoảng 1,6 triệu đồng/kg, hơn gấp đôi so với năm 2013 nên mới được như vậy", ngư dân Giàu giải thích.
Và đến thời điểm này đây cũng là 2 phiên biển đánh bắt và bán được hải sâm nhiều nhất ở Quảng Ngãi từ trước đến nay.