"Tôi sinh ra từ nông thôn, gia đình vốn bao đời làm nông dân nên muốn gắn bó với quê hương lâu dài. Vì thế, phải tìm được nghề làm chủ, còn hơn ở thành phố lương cao mà mãi vẫn chỉ là người làm thuê", anh Đỗ Văn Toàn (32 tuổi) mở đầu câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của mình.
Chàng trai 9X ở Ninh Bình bắt đầu ngày mới từ sáng sớm tinh mơ khi gà cất tiếng gáy. Thức dậy vệ sinh cá nhân xong, anh bước chân ra chuồng dúi để thăm từng ô, xem có con nào bỏ ăn, mắc bệnh hay không khi đó mới yên tâm công việc hàng ngày của mình.
Công việc mỗi ngày của chàng trai 9X là bầu bạn với những con chuột to bự (Ảnh: Thanh Bình).
|
Anh Toàn chia sẻ: "Dúi là loài động vật có đặc tính gặm nhấm, ăn đêm ngủ ngày. Buổi tối cho dúi ăn, thì ban ngày chúng lăn ra ngủ. Vì thế, sáng sớm phải kiểm tra chuồng trại luôn, tránh để muộn quá, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển".
Năm 2015, anh Toàn tốt nghiệp ngành xây dựng, trường Đại học Công nghệ TP HCM. Ra trường, anh bôn ba nhiều nơi, tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm ở thành phố. Có được công việc ổn định, lương cao, làm đúng chuyên môn là kỹ sư xây dựng nhưng chàng trai trẻ vẫn đau đáu sẽ trở về quê lập nghiệp.
Cũng vì thế, vừa đi làm ở thành phố, anh vừa tìm tòi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp ở quê.
"Thấy mô hình nuôi dúi rất đặc biệt và tiềm năng, mình đã liên tục tìm hiểu về loại con nuôi đặc biệt mà ở quê mình chưa ai thấy bao giờ.
Loài này đang được ưa chuộng với giá thành cao, nuôi cũng không mấy khó nhọc vì chúng ăn toàn là thân cây, củ các loại. Đầu ra lại ổn định nên mình quyết định đầu tư khởi nghiệp từ loài gặm nhấm chẳng khác gì con chuột này".
Làm thuê được chút ít vốn liếng, anh Toàn quyết định xin nghỉ việc ở thành phố về quê trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Hành trang chàng trai trẻ về quê khởi nghiệp chỉ là 10 cặp dúi giống, mua với giá 12 triệu đồng tích cóp được cùng hai bàn tay trắng.
Hiểu rõ được quy trình nuôi loài gặm nhấm, mỗi năm anh Toàn đút túi hơn 200 triệu đồng (Ảnh: Thanh Bình).
|
Về nhà làm chuồng nuôi, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, anh Toàn tưởng như mất trắng khi dúi liên tục mắc bệnh, ốm yếu và chết gần hết. Thành công chưa thấy, chỉ thấy nhiều người lời ra tiếng vào: "Không biết nó có làm nên cơm cháo gì không?", khiến anh có lúc nhụt chí.
Vừa chăm sóc cho dúi sống được, anh Toàn vừa học hỏi kỹ thuật trên mạng. Bên cạnh đó, trực tiếp đến tham quan các mô hình nuôi dúi ở các địa phương để học tập. Sau một năm vừa nuôi vừa học, anh đã chăm sóc đàn dúi lớn nhanh, khỏe mạnh và sinh sản thành công những đàn dúi con.
"Cứ nghĩ nuôi dúi dễ như chuột nhưng không phải. Loài này chúng rất khó tính ở chỗ, chuồng trại phải sạch sẽ kín gió và không có ánh nắng. Chúng là loài ở trong hang nên nơi chăn nuôi phải ít tiếng động, ấm về mùa đông mát về mùa hè", anh Toàn bật mí.
Cũng theo anh Toàn, chỗ ở của dúi là vậy, thức ăn chăm sóc cũng phải sạch sẽ. Chỉ là thân cây tre, cây mía, ngô… rất đơn giản nhưng không được ôi thiu và tuyệt đối là không cho nhiễm nước mưa. Thức ăn nhiễm nước mưa dúi ăn phải mắc bệnh đường ruột, không chữa kịp thời chúng sẽ suy nhược và chết", anh Toàn nói.
Từ đầu năm 2023 đến nay, quy mô chuồng nuôi dúi của gia đình anh Toàn liên tục được mở rộng. Trên diện tích nhà nuôi rộng hơn 150m2, anh bố trí các ô nuôi, chia từng khu như dúi sinh sản, dúi thương phẩm, dúi giống…
"Dúi mẹ mang bầu mỗi năm 3 lần, mỗi lứa sinh 2 - 4 con. Vì thế dúi nhân đàn rất nhanh. Hiện cơ sở của mình đang nuôi hơn 150 con dúi mẹ sinh sản, mỗi năm bán ra thị trường cả nghìn con dúi giống.
Mỗi cặp dúi giống có giá 1,2 triệu đồng. Dúi con nuôi lớn lên đạt trọng lượng 1,5 - 2kg là xuất bán thịt với giá 600 nghìn đồng/kg. Mỗi năm trừ hết các chi phí, mình cũng thu lãi số tiền khoảng 200 triệu đồng", anh Toàn tiết lộ.
Mỗi cặp dúi giống có giá 1,2 triệu đồng, dúi thịt 600 nghìn đồng/kg (Ảnh: Thanh Bình). |
Không chỉ nuôi dúi phát triển kinh tế gia đình, hiện chàng trai 9X cũng đang hỗ trợ và chuyển giao mô hình nuôi cho 10 hộ dân khác để cùng nhau làm giàu. Anh Toàn cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho các hộ dân.
"Thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Con dúi thuộc diện đặc sản nên được rất nhiều thực khách sành ăn lựa chọn. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn để cung cấp nhiều hơn con giống và dúi thương phẩm ra thị trường.
Đồng thời, tích cực hỗ trợ các thành viên hợp tác xã, những người có nhu cầu phát triển mô hình nuôi dúi hướng tới việc xây dựng chuỗi liên kết và kinh doanh dúi thương phẩm", anh Toàn chia sẻ về dự định trong tương lai.