Năm 2007, Công ty M_Service (đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo) chính thức ra đời và cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại. Đến tháng 10/2010, thương hiệu Ví MoMo (MoMo viết tắt của từ Mobile Money) có mặt trên thị trường. Năm 2015, M_Service được cấp phép tại Việt Nam.
MoMo là kỳ lân fintech của Việt Nam được định giá hơn 2 tỷ USD, sau vòng gọi vốn series E diễn ra vào tháng 12/2021.
Định vị là một siêu ứng dụng, MoMo đã xây dựng nền tảng cung cấp khoảng 400 loại hình dịch vụ khác nhau trong hàng loạt lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống, quyên góp từ thiện…
Năm 2019, số người dùng ứng dụng MoMo cán mốc 10 triệu người dùng. Đặc biệt tăng gấp đôi vào tháng 9/2020. Tính đến đầu năm 2022, MoMo có khoảng 31 triệu người dùng, với 10 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm. Công ty đang hướng đến mục tiêu là có ít nhất 50 triệu người dùng.
Ảnh minh họa. |
Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, tháng 1/2022, MoMo tiếp tục đầu tư vào Nhanh.vn - Công ty chuyên cung cấp các giải pháp quản lý bán hàng đa kênh. Theo chia sẻ của Công ty này, tìm kiếm và đầu tư vào các công ty công nghệ Việt là một trong những mục tiêu chiến lược MoMo hướng tới sau khi hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5.
MoMo cũng đã chiêu mộ hàng loạt nhân sự - từng là cựu lãnh đạo các Công ty lớn trong và ngoài nước. Tháng 4/2020, ông Anthony Thomas - một chuyên gia fintech người Ấn Độ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).
Ngoài ra, kỳ lân Việt cũng dự định ra mắt một trung tâm công nghệ đặt tại Đà Nẵng, biến nơi này trở thành “cứ địa” công nghệ thứ ba, sau TP HCM và Hà Nội.
Đến tháng 6 vừa qua, kỳ lân Việt mua hơn 4,4 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn của Chứng khoán CV. Thương vụ của MoMo được công bố không lâu sau khi một fintech khác là Finhay cho biết đã sở hữu chứng khoán Vina Securities. Cả MoMo và Finhay đều được Chứng khoán Thiên Việt (TVS) rót vốn. Đến 31/3, TVS ghi nhận giá gốc đầu tư vào MoMo là khoảng 27,8 tỷ đồng và gần 62,5 tỷ đồng vào Finhay.
Số liệu từ Người Đồng Hành cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021, doanh thu thuần cùng với lợi nhuận gộp của MoMo đều ghi nhận mức tăng liên tục. Thế nhưng, kỳ lân này vẫn chìm trong cảnh thua lỗ do chi phí bán hàng cao, liên tục tăng lên cùng chiều với doanh thu. Mỗi năm, ước tính MoMo lỗ trên 850 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là trong năm 2020, MoMo ghi nhận doanh thu hơn 6,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ 875 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của MoMo ghi nhận 2.961 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 2.431 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, khoản lỗ lũy kế của MoMo là hơn 3.600 tỷ đồng.