Về đến khu vực gần chợ Bà Rén nằm trên QL1A qua địa phận huyện Quế Sơn (Quảng Nam) hỏi gia đình lùn nhất Việt Nam ai cũng biết. Nhưng khách không phải nhọc công, chỉ cần đợi một lúc, thế nào cũng có một vài chú lùn đi ngang qua, cứ thế mà theo họ về nhà.
Muốn lấy vợ cao nhưng đành chịu
Nằm trong con hẻm nhỏ cách đường khoảng 200m một ngôi nhà nhỏ bé là nơi sinh hoạt của đại gia đình người lùn họ Lưu. Người cao tuổi nhất- ông Lưu Quơn (84 tuổi) với chiều cao 1,08m và bị tật bẩm sinh cả hai chân.
Ông Quơn có 6 người con, lần lượt các anh Lưu Quạng (58 tuổi) cao 1,3m; Lưu Trịn (48 tuổi) cao 1,29m; Lưu Tám (40 tuổi) cao 1,27m; Lưu Mười (38 tuổi) cao 1,25m; Lưu Hai (37 tuổi) cao 1,1m; cô con gái út Lưu Thị Hoa (35 tuổi) cao 1,1m. Người cao nhất nhà là bà Phạm Thị Điển (85 tuổi, vợ ông Quơn) được 1,33m.
Các thành viên trong gia đình lùn nhất Việt Nam. |
Bà Điển cho biết, trước đây cụ Lưu Luyến, thân sinh ông Lưu Quơn cũng chỉ cao 1,15m. Cụ Luyến lấy vợ tuy không lùn nhưng vẫn sinh ra những người con thấp bé. Thời chiến tranh loạn lạc, chết chóc, gia đình lần lượt chỉ còn lại mỗi ông Lưu Quơn.
Nhìn thấy ông Quơn côi cút một thân một mình mưu sinh bằng nghề quét rác ở chợ Bà Rén, bà Điển khi ấy mới đem lòng thương yêu.
Tuy “nhỉnh” hơn ông Quơn nhưng bà Điển cũng không phải cao nên ông Quơn tuyệt nhiên không chịu “nhắm” đến. Nhưng về sau, trước tấm chân tình của người đàn bà vốn qua một đời chồng, ông Quơn mới chấp nhận “thôi thì nồi nào vung nấy”, họ về sống với nhau. Như không muốn cụ bà này mủi lòng,
ông Quơn giải thích trong tiếng nấc nghẹn: “Ước mơ lớn nhất trong đời tôi là cải tạo giống nòi. Gia đình tôi bốn đời đều mang tiếng lùn, đau khổ lắm!”. Rồi ông nói tiếp: “Tổ tiên nhà tôi không lùn. Chỉ đến đời cha tôi mới bắt đầu lùn thôi. Khi còn sống, cha tôi dặn phải bằng mọi cách cải tạo giống nòi. Thế nhưng lùn vẫn cứ lùn, buồn lắm”.
Khi đến thế hệ thứ 3 của mình, ông Quơn giao hẳn mục tiêu cho các con, phải bằng mọi cách “chinh phục” cho được những người cao hơn mình ít nhất… 2 gang tay (tương đương 40cm). Tuy các con ông Quơn lùn nhưng may mắn, trời vẫn cho họ khuôn mặt sáng sủa, thông minh, tính tình thật thà nên khả năng kiếm vợ… cao hơn mình không khó.
Năm 1984, anh Lưu Quạng kết duyên với chị Nguyễn Thị Bích (SN 1967, một cô gái cùng làng). Có với nhau 6 mặt con nhưng đôi vợ chồng này sinh chỉ được 1 cháu giống mẹ, cao 1,5m. 5 đứa con còn lại, đứa lớn nhất 28 tuổi, nhỏ nhất 16 tuổi chỉ cao chưa đầy 1m.
2 người con trai còn lại cũng lần lượt lấy vợ. Nhưng thật buồn, trong số 9 đứa con của Trịn và Tám chỉ có 2 đứa trẻ con đầu của 2 người có chiều cao “nhỉnh” một chút, 7 đứa trẻ tiếp theo bị lùn, đôi chân loèo khoèo sát mặt đất.
Nhìn vào đàn cháu đông đúc nhưng thấp bé, ông Quơn buồn rầu nói: “Tụi nó nhỏ người rứa chứ đã nhiều tuổi lắm. Vì mọi người đều lùn nên đồ đạc cũng ngắn ngủn. Trong nhà, ngay cả chiếc giường hai mét cũng được cưa bớt chân cho thấp xuống để 7 người ngủ chung.
Nhiều người cứ “chọc ghẹo” chúng tôi: nhìn giống như chiếc giường của bảy chú lùn trong câu chuyện cổ tích”. Thế nhưng, khát vọng “cải tạo” nòi giống luôn bỏng cháy trong gia đình này và họ lại đặt niềm hi vọng vào anh con trai Lưu Mười đang miệt mài làm mướn, hy vọng kiếm được vợ cao hơn mình.
Đời không như cổ tích với những chú lùn
Những chú lùn sống trong ngôi nhà thấp nhỏ, nghèo nàn như trong chuyện cổ tích, nhưng cuộc đời họ lại không kết thúc có hậu như thế giới thần tiên. Cái nghèo truyền kiếp gia đình họ từ 4 đời nay.
Mặc dù họ tốt bụng, chăm làm nhưng cuộc mưu sinh luôn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, bà Điển phải dậy từ mờ sáng ra chợ bà Rén bồng heo thuê kiếm tiền, còn ông Lưu Quơn cùng các con đứng ngay bên hông chợ, chờ ai gọi khuân vác hoặc kéo xe bò chở thuê các loại hàng hóa, vật liệu xây dựng, phân bón… thì nhận.
Ngoài ra, gia đình ông Quơn còn phụ trách luôn việc quét rác, dọn vệ sinh ở khu chợ Bà Rén. Sau mỗi ngày làm việc cật lực, tổng số tiền của các thành viên khoảng hơn 100 ngàn, đủ để mua gạo, mắm muối.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, công việc bỗng chốc bị xào xáo khi ông Lưu Quơn và anh Lưu Mười bị chứng đau gan hành hạ. Thêm nữa, tuổi già, sức yếu, ông Quơn cùng vợ không đi kiếm tiền được nữa nên chỉ trông mức trợ cấp người cao tuổi 180.000 đồng/tháng, số tiền đó không đủ trang trải tiền thuốc thang cho 2 người bệnh.
Thời gian đầu, cả nhà còn cố gắng chữa trị cho hai cha con đều đặn, nhưng dần dà, tiền hết, họ đành cay đắng nhìn cảnh người thân đau đớn vì bệnh tật. “Cơm cũng không có mà ăn, lấy đâu tiền mua thuốc”, bà Điển nói.
Vì vậy, các khoản chi tiêu còn lại đều đặt cả lên đôi vai những người con khoẻ mạnh. Nhưng họ còn phải lo cho tổ ấm nhỏ với đám trẻ lóc nhóc nữa, vậy là đói. Gia đình ông Quơn thiếu ăn, thiếu mặc quanh năm.
Nhiều lúc bức bách quá, bà Điển phải gắng gượng ra chợ đi xách nước thuê rồi xin nước cá dư thừa ở khu chợ về bán lại cho những người nuôi heo lấy tiền đong gạo. Đến khi trái gió trở trời, bà lại nằm nhà rên la nhức mỏi, kéo theo không ít lần mọi người phải nhịn đói đến lả đi.
Hiện tại, cái đói, bệnh tật không chỉ đe dọa gia đình lùn từng ngày, mà nỗi khổ “nơi chui ra chui vào” cũng đang bắt đầu xuống cấp theo thời gian. Mỗi mùa mưa tới, căn nhà 50m2 gió lùa tứ phía khiến 15 con người lùn tá túc trong đó cứ nơm nớp lo sợ.
Ông Nguyễn Khẳng - Trưởng thôn Bà Rén cho biết, gia đình này thuộc hộ đặc biệt khó khăn của thôn. Sống trong căn nhà nhỏ không có gì đáng giá, bao năm qua, cuộc sống của họ cứ y như ngọn đèn dầu trước gió. Điều đáng nói, dù nghèo nhưng gia đình ông Quơn ăn ở nghĩa tình, không bao giờ làm mất lòng ai, lại hay giúp đỡ mọi người nên được mọi người quý mến.