Các phi công lái máy bay không người lái trong quân đội Mỹ là những người có một công việc đặc biệt: Buổi sáng tạm biệt vợ con lái xe đi làm, điều khiển những thiết bị bay tối tân ném bom hay phóng tên lửa vào quân địch ở tận Afghanistan hay Iraq, tối lại về nhà với gia đình mà không ai trong nhà biết anh ta đã thực sự phải trải qua những gì.
Một phi công bên chiếc máy bay anh ta thường điều khiển (Nguồn ảnh: Vice) |
Cuộc sống của các phi công đặc biệt này gây tò mò với nhiều người, đầy rẫy những căng thẳng mặc dù không phải đối mặt với tầm đạn hay tên lửa phòng không của đối phương. Tạp chí Vice nói, nhiều người trong số các phi công đặc biệt này phải chịu đựng những ám ảnh về sự chết chóc mà họ gây ra hằng ngày nhưng không thể chia sẻ những chuyện đó với người thân.
Đội quân đặc biệt
Trong một hangar (nhà để máy bay) tại căn cứ không quân Grand Forks, Bắc Dakota (Mỹ), một phi công 23 tuổi tên là Matthew đứng trước một chiếc máy bay mà anh đã lái hàng chục, có khi là hàng trăm lần trên bầu trời Afghanistan, Iraq, có lẽ là cả Yemen hay Philippines, thậm chí là nhiều nơi ở châu Âu. Ngoại trừ một điều, con người vật chất của anh chưa từng đến bất cứ chỗ nào kể trên, và anh cũng chưa bao giờ ngồi trên máy bay.
Matthew, một phi công điều khiển máy bay không người lái, nói đúng hơn là không có người lái ngồi trên khoang, đã “có mặt” tại các vùng chiến tuyến của quân đội Mỹ trong ba năm qua, cho dù anh vẫn chỉ cách siêu thị Walmart gần nhất chưa đến 20 phút đi xe. Loại máy bay không người lái mà anh điều khiển là một chiếc Global Hawk, có chức năng do thám và hỗ trợ. Nó không được trang bị vũ khí. Tuy nhiên, “anh sẽ không thấy có cuộc xung đột nào mà không có một chiếc Global Hawk gần đó”, Paul Bauman, chỉ huy của Matthew nói.
Điều đó có nghĩa là có rất nhiều thứ cần đến công việc, rất nhiều lực lượng thuộc nhiều binh chủng cần đến sự chỉ dẫn của Matthew và đồng đội. Và cũng có nghĩa rằng vào thứ Hai, anh có thể bay ở Iraq, gần một điểm nóng liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, thứ Ba chơi bóng rổ với bạn bè và thứ Tư có thể “ở” Afghanistan. Thứ Năm có thể ở Syria hay Somalia hay bất cứ chỗ nào.
Trong hầu hết các trường hợp, những người như Matthew phải điều khiển một chiếc Global Hawk đang đậu ở một căn cứ cách đó nửa vòng trái đất. Cũng có lúc anh điều khiển những chiếc khác có sẵn trong căn cứ của mình. Họ có thể điều khiển chúng bay tới điểm cực nam của châu Mỹ và quay trở về mà không cần tiếp nhiên liệu.
Đầu tuần đó, Không quân Mỹ cho phép phóng viên tạp chí Vice nói chuyện với Bauman và nhiều sỹ quan không quân khác thuộc chương trình máy bay hỗ trợ không người lái.
Điều kiện đặt ra là phóng viên chỉ viết tên phi công mà không được tiết lộ họ của anh ta. Đổi lại, phóng viên được tìm hiểu về một loại nghề nghiệp thuộc loại khó khăn nhất thế giới.
“Họ rời nhà, lái xe khoảng 3 phút là tới sân bay. Sau đó, họ vào một căn phòng, đúng hơn là một khối hộp bằng thép”, Bauman nói. “Họ bắt đầu bay thực hiện nhiệm vụ và sau khi nó kết thúc, họ quay trở lại Bắc Dakota”.
Nói cách khác, Matthew và đồng đội không biết họ sẽ phải tham gia trận đánh nào hay cuộc xung đột đó sẽ diễn ra ở đâu. Nhiệm vụ cụ thể sẽ được truyền đạt tới họ vài tiếng trước khi bay. Các mệnh lệnh rất ngắn gọn, rõ ràng và Matthew hoàn toàn biết anh sẽ bay đến nước nào nhưng cũng cho biết anh có thể làm việc với một đội vào ngày nào đó, và sau đó không làm việc với họ nữa có thể trong vài tháng liền.
“Chỉ có một số người nhất định mới có quyền nói “tôi đang ăn tối, nhưng tôi đã sẵn sàng bay”, Matthew nói với phóng viên. “Tôi làm một công việc có thể gây hại cho ai đó trên mặt đất hoặc có thể không hỗ trợ được ai đó cần hỗ trợ. Cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Chúng tôi rất nghiêm túc trong công việc”.
Ngôi sao Global Hawk
Mặc dù không có người lái ngồi trên khoang, nhưng chiếc Global Hawk to tới mức có thể nhét rất nhiều người vào bên trong. Nó lớn bằng một nửa chiếc Boeing 747, với sải cánh khoảng 38m, có thể bay nửa vòng trái đất trong một lần cất cánh.
Hai chiếc Global Hawk của Không quân Mỹ (Nguồn ảnh: Vice) |
Và hầu hết các chuyến bay của Global Hawk đều được điều khiển tại Bắc Dakota. Căn cứ không quân này không điều hành các loại máy bay có người lái kể từ năm 2010. Bauman nói khi tương lai của Không quân Mỹ là máy bay không người lái trở nên rõ ràng, căn cứ này muốn trở thành căn cứ máy bay không người lái hàng đầu của Không quân Mỹ và chỉ điều hành máy bay không người lái.
Tại thời điểm này, Grand Forks là nơi duy nhất ở Mỹ điều hành tất cả những loại máy bay không người lái, từ chiếc Predator có mang vũ khí, loại hiện đại hơn là MQ-9 Predator (còn gọi là Reaper) và Global Hawk.
Và như thế, chiến tuyến của nhiều cuộc xung đột mà Mỹ can dự mở tới Grand Forks, ít nhất là về mặt tinh thần. Cho dù các phi công như Matthew nói thật kỳ quặc là họ không hề biết họ sẽ can dự vào cuộc xung đột nào cho tới lúc chỉ còn vài tiếng nữa là cất cánh.