Vườn thú thành phố Munich, Đức hưởng ứng tuần lễ Pride bằng một hoạt động độc nhất vô nhị. Pride là là tuần lễ “tự hào” của cộng đồng LGBTQ (người đồng tính, song tính, chuyển giới và xu hướng tính dục khác) ở nhiều nơi trên thế giới.)
Họ tổ chức tour về quan hệ đồng tính trong thế giới động vật, ở các loài chim cánh cụt, hươu cao cổ và sư tử, để khuyến khích mọi người nhận thức đúng hơn đối với người đồng tính.
“Đồng tính là bình thường trong tự nhiên”
Quan hệ đồng tính trong thế giới động vật là một “chủ đề quan trọng mà chúng ta phải bàn đến” để thấy rằng tình yêu đồng giới là điều bình thường trong tự nhiên, người phát ngôn vườn thú Munich Dennis Spaeth nói.
“Không may là ở Đức, chúng ta đang thấy ngày càng nhiều người từ phe cánh hữu đang công kích quyền của người LGBTQ”.
Dù chủ yếu theo đạo Công giáo vốn bảo thủ, nhưng bang Bavaria phía nam nước Đức, bao gồm Munich, đã ngày càng chấp nhận và tôn trọng hơn với người đồng tính. Luật ở đây công nhận hôn nhân đồng giới từ năm 2017.
Tuy nhiên, những người đồng tính vẫn trở thành nạn nhân của bạo lực. Cảnh sát bang ghi nhận 91 vụ tấn công với động cơ phân biệt người đồng tính vào năm ngoái.
Trong tour các loài vật đồng tính ở Munich, điểm dừng đầu tiên là hươu cao cổ. Những con hươu không mấy để ý đến khách tham quan, chỉ chú tâm vào bữa ăn toàn cỏ của mình.
“Hươu cao cổ là loài song tính (bisexual). Trong một nhóm cá thể, có tới 90% số hành vi tình dục quan sát được là đồng tính”, nhà sinh vật học Guenter Strauss giải thích.
Cách đó vài chuồng, một cặp đôi chim cánh cụt đực, loài Humboldt, đang ngồi cạnh nhau. Khó có thể phân biệt cặp chim cánh cụt đực - đực này so với các cặp chim cánh cụt đực - cái xung quanh, cho đến khi hướng dẫn viên chỉ ra rằng cặp chim đực kia không có trứng để ấp, nên thay vào đó chúng ấp một hòn đá.
Đây không phải “mối tình thoáng qua”, và “chim cánh cụt có những mối quan hệ đồng tính có thể kéo dài suốt cuộc đời, điều rất hiếm trong thế giới động vật”, ông Strauss nói.
Tình yêu đồng giới là điều bình thường trong thiên nhiên, theo người phát ngôn vườn thú Munich Dennis Spaeth. Ảnh: AFP. |
Đồng tính được ghi nhận ở hàng trăm loài
Trên thực tế, hàng trăm loài, từ voi, chim cho đến rắn, có những hành vi đồng tính, theo AFP. Nhưng không giống đa số người đồng tính, động vật thường có định hướng giới tính khá linh hoạt.
“Đối với người, chúng ta lớn lên với một định hướng giới tính cố định. Động vật thường không như vậy”, ông Strauss nói. “Trên thực tế, chúng song tính. Chúng thể hiện ra định hướng giới tính nào là tùy vào thời điểm”.
Một ví dụ là loài sư tử. Những con sư tử ở vườn thú chào đón khách đi tour bằng tiếng gầm lớn.
“Servus!”, ông Strauss trả lời chúng, dùng lời chào truyền thống trong văn hóa xứ Bavaria.
“80% hành vi tình dục của sư tử là đồng tính. Đối với sư tử cái, chúng chỉ có hành vi đồng tính khi bị nhốt trong chuồng”, ông giải thích.
Không giống con người, động vật thường có định hướng giới tính khá linh hoạt. Ảnh: AFP. |
Quan hệ đồng tính giữa động vật phổ biến như vậy, nhưng chủ đề này từng là cấm kỵ với giới khoa học trong thời gian dài.
“Trong một chuyến nghiên cứu ở Nam Cực đầu thế kỷ 20, một bác sĩ nhìn thấy cặp chim cánh cụt đực đang giao cấu. Nhưng khi đăng kết quả nghiên cứu, ông đã bỏ đi những trang viết về các quan sát này”, Strauss kể lại.
Những trang viết từng bị coi là cấm kỵ đó mới chỉ được phát hiện “8-9 năm trước” trong một thư viện ở Anh, ông nói thêm.
Thời thế đã thay đổi nhiều kể từ đó.
Vườn thú London, cũng muốn đóng góp vào tuần lễ Pride, đặt một băng-rôn phía trên khu của chim cánh cụt: “Một số chim cánh cụt là gay (đồng tính), chúng ta phải chấp nhận” - liên tưởng tới khẩu hiệu của một số chiến dịch chống phân biệt đối xử với người đồng tính.