Cấp cứu vì suy thận và phải chạy thận nhưng không có kết quả, ông Ôn Văn Hòa (62 tuổi ở Đội 1 thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) vật lộn cả tháng trời chỉ để khám, xét nghiệm đủ các khoa mới biết bị ung thư máu: u lympho ác tính tế bào B xâm lấn tủy xương.
10 lần hội chẩn mới tìm ra bệnh
Nhìn ông Hòa béo tốt, da dẻ hồng hào, nhanh nhẹn, tóc tốt dày... không ai có thể nghĩ đó là người mắc bệnh ung thư máu xâm lấn tủy xương. Ông cười bảo: “Giờ tôi béo khoẻ hơn cả trước khi bị bệnh. Trước khi bị bệnh tôi nặng 65kg, khi bị bệnh còn 50kg, còn giờ là 73kg”.
Ông kể, tháng 10/2008, sau chuyến đi Trung Quốc về thì ông bị sốt kéo dài và đau lung tung khắp người. Lúc đầu tưởng do sốt virus, truyền nước, truyền đạm, uống thuốc bệnh đỡ, sau đó lại tái phát và cơ thể đau buốt tới mức cắn răng chảy nước mắt không thể tưởng tượng nổi. Đặc biệt, cơ thể ông háo nước, uống truyền bao nhiêu cũng thiếu. Em ông là bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn buộc ông lên khám và ngay sau đó chuyển Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì ông quá yếu lại suy thận độ 3. Ông được chỉ định chạy thận nhân tạo nhưng không có kết quả.
26 ngày trời, người nhà phải khiêng ông đi khám khắp các khoa phòng như thận, xương khớp, máu... làm đủ các xét nghiệm, chọc tủy mà không tìm ra bệnh. Kết quả, sau 10 lần hội chẩn và đặc biệt sau khi chụp xạ hình xương, hội đồng mới kết luận ông bị u lympho ác tính tế bào B xâm lấn tủy xương. Ông được chỉ định truyền hóa chất tại Khoa Huyết học.
Ông Hòa đang hướng dẫn cách dùng nấm cổ linh chi để hỗ trợ điều trị bệnh. |
Gần 2 năm vật lộn với hóa chất
Ông Hòa trầm tư, ông cũng không ngờ mình có thể sống được. Những người có bệnh như của ông cùng điều trị đã “ra đi” cả, có người chết trong khi ông mới nhập viện, chuẩn bị truyền hóa chất. Ông xác định, may mắn thì được ngày nào hay ngày ấy. Phải cố gắng đến hy vọng cuối cùng. Do sức ông quá yếu, hồng cầu không đủ nên lần đầu tiên truyền hóa chất ông đã phải truyền 2 bịch máu.
Hết đợt 1, ông phải có xe cáng đưa về nhà. Ông nằm bẹp cả tháng trời, cổ sưng đau không nuốt được, vợ con phải đổ cho ông ăn từng tý nước cháo. Đau đớn, mệt mỏi, buồn nôn... không muốn nuốt nhưng do xác định “ăn để sống, không ăn là chết” nên ông cố gắng. Sợ nhất là sau truyền hóa chất ông bị đại tiện táo 3 - 4 ngày không đi được, mất ngủ triền miên, các đầu ngón tay khô đét, thân hình tiều tụy, thâm đen, da bọc xương (cao 1m74 nặng 50kg).
Người nhà ông đã giấu bác sĩ cho ông uống nấm linh chi cổ và nước luộc cùi dưa hấu, nhờ đó ông bớt táo. Từ lần truyền thứ 2, tóc bóc cả tảng, trọc hết cả đầu. Sau 3 đợt truyền thì ông đỡ đau dần, bắt đầu đi lại được và tiếp tục vật lộn với 8 đợt truyền hóa chất đến tháng 11/2010 mới hết. Hiện tại, chỉ những khi thời tiết thay đổi lớn ông mới bị đau nhức xương.
Giấy ra viện của ông Hòa. |
Chia sẻ bí quyết vượt bệnh của mình, ông Hòa cười, ngoài tinh thần kiên cường đấu tranh với bệnh, luôn vui vẻ, cố gắng ăn uống bồi bổ tốt thì phải tập luyện và dùng thêm thuốc thải độc, bổ dưỡng của Đông y. Ngoài nấm cổ linh chi dùng duy trì từ đó cho đến nay, ông còn uống thuốc bổ xương, uống sâm ba kích bổ thận, dùng đông trùng hạ thảo và thuốc bổ Đông y ngâm rượu... Đặc biệt, hằng ngày ông thường đạp xe, đưa đón cháu đi học, đi thăm thú họ hàng, bạn bè...
Ông tâm sư: “Nói vậy thôi nhưng khỏi bệnh không hề đơn giản, bệnh khiến tôi bị ảnh hưởng thần kinh, ăn không biết ngon hay không ngon, vợ đút cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu, trí nhớ giảm sút, làm mọi việc không chuẩn xác (con ruồi, con muỗi không đánh được), nói chuyện là quên, phải đến tận năm 2013 tôi mới hồi phục được hoàn toàn”. Kết quả khám năm 2014, bác sĩ điều trị nói ông đã thoát bệnh, nhưng ông vẫn luôn xác định “được đến đâu là được, người ta mấy tháng đã đi, tôi đã được quá 7 năm nên vui vẻ để sống”.
“U lympho ác tính không Hodgkin (ULAKH) là nhóm bệnh tăng sinh ác tính dòng tế bào lympho (hệ bạch huyết) với biểu hiện phức tạp về lâm sàng, mô bệnh học và tiên lượng bệnh. Đây là loại ung thư thường gặp với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 5,2/100.000 dân đứng hàng thứ 7 trong các loại ung thư. ULAKH loại tế bào B chiếm khoảng 2/3 các trường hợp. Chỉ định hóa trị thường được áp dụng cho phần lớn bệnh nhân. Tiên lượng bệnh có thể chia thành hai nhóm: Nhóm ác tính thấp tỷ lệ sống trung bình giai đoạn sớm khoảng 10 năm và ác tính cao tỷ lệ sống thêm thấp hơn trung bình 5 năm khoảng 50 – 60%”.
GS.TS Nguyễn Bá Đức (nguyên Giám đốc Bệnh viện K)