Vượt 10% dự toán thu ngân sách nhà nước cả năm
Chiều 27/9, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã chủ trì phiên họp tháng 9 lần 2 của UBND tỉnh Hải Dương để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 9 tháng năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm; tình hình thực hiện dự toán ngân sách 9 tháng và giải pháp thực hiện dự toán ngân sách 3 tháng cuối năm.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho thấy, 9 tháng năm 2024, kinh tế Hải Dương duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương (GRDP) ước tăng 9,5%, cao hơn so với kịch bản đề ra (tăng 8,67%).
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu kiểm tra một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh này vào chiều 26/9 vừa qua. |
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, với tổng giá trị sản xuất ước đạt 275.936 tỷ đồng, tăng 13,3%. Sản xuất nông nghiệp mặc dù bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, đặc biệt là bão số 3, nhưng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 16.905 tỷ đồng, tăng 3,2%. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá.
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2024, Hải Dương đã vượt 10% dự toán thu ngân sách nhà nước cả năm, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm của Hải Dương đạt thấp. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật triển khai chưa đồng bộ, thống nhất. Bão số 3 để lại nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nói chung. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng trưởng chậm.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tập trung cao nhất nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương chủ trì, phối hợp đôn đốc thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng cuối năm, đồng thời xây dựng kịch bản điều hành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thành lập tổ công tác đôn đốc triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra từ nay đến cuối năm đối với các sở, ngành, địa phương. UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, lập, trình phê duyệt quy hoạch các địa phương. Từng sở, ngành đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành mình trong 3 tháng cuối năm gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Trước đó một ngày, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã đi kiểm tra tình hình triển khai một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh này.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ triển khai thực tế 10 dự án đầu công trên địa bàn các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng gồm: Dự án xây dựng trụ sở Công an tỉnh; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 391 đoạn từ TP Hải Dương đến đường trục Đông-Tây; xây dựng đường tránh đường tỉnh 391 qua địa bàn xã Văn Tố và thị trấn Tứ Kỳ; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 391; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài.
Đồng thời, đoàn công tác đi thực tế khảo sát, nắm bắt tình hình tiến độ giải ngân, những khó khan, vướng mắc tại các dự án : xây dựng đường trục Đông - Tây; xây dựng đường tỉnh 394B; xây dựng cầu Cậy thuộc tuyến tránh đường tỉnh 394; xây dựng cầu Cậy mới và đường 33 m kéo dài; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 395 và đường dẫn cầu Cậy đến đường tỉnh 394.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, những dự án đầu tư công là cơ sở nền tảng để tỉnh Hải Dương xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Những dự án, công trình trọng điểm, chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh phải gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành đúng thời hạn, trước thời hạn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu chính quyền địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để tổ chức thi công kịp thời. Trong đó, phải tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của người dân, không để sự chậm chễ của một bộ phận làm ảnh hưởng tới tiến độ cả dự án. Các cơ quan tham mưu của tỉnh phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. UBND cấp huyện thực hiện tốt phương án tái định cư, bảo đảm quyền lợi của người dân ở mức cao nhất. Tiến độ giải phóng mặt bằng phải đáp ứng yêu cầu thi công để bảo đảm điều kiện giải ngân vốn đầu tư công.
Về thời điểm chuyển giao quy định về đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu gợi ý các sở, ngành có thể tham khảo kinh nghiệm của tỉnh, thành phố khác. Việc xử lý các phần việc liên quan tới những thay đổi của pháp luật phải xem xét thấu đáo. Những nội dung nào có thể triển khai đồng thời thì chủ động thực hiện nhằm rút ngắn thời gian.
Qua thực tế tại công trường, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cũng yêu cầu nhà thầu thi công căn cứ tình hình thực tế xây dựng, tính toán lộ trình thi công phù hợp. Đồng thời, tổ chức thi công hiệu quả, an toàn. Những dự án có nhiều gói thầu phải bảo đảm đồng bộ, chất lượng giữa các nhà thầu. Các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, huy động tối đa nhân lực, phương tiện, dồn lực thi công.
Deli Việt Nam sắp khởi công nhà máy có vốn đầu tư FDI lớn nhất tại Hải Dương
Theo dự kiến, ngày 28/9, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Deli (Trung Quốc) sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất văn phòng phẩm tại Hải Dương với số vốn 270 triệu USD. Đây là dự án có quy mô lớn nhất được đầu tư vào một khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương đến thời điểm hiện tại.
Công ty Hữu hạn Tập đoàn Deli sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 21 ha ở khu công nghiệp Đại An mở rộng (Cẩm Giàng) để sản xuất văn phòng phẩm từ giấy, nhựa và các sản phẩm hàng gia dụng từ nhựa và thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.490 tỷ đồng (tương đương 270 triệu USD), thời hạn hoạt động 50 năm, sử dụng khoảng 3.000 lao động. Dự kiến, mỗi năm nhà máy cung cấp ra thị trường hơn 104 triệu sản phẩm văn phòng phẩm từ giấy, nhựa; hơn 33 triệu sản phẩm hồ, keo dán dạng khô và dạng nước; hơn 23,7 triệu sản phẩm hàng gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, đồ dùng học sinh từ kim loại; hơn 2,4 triệu sản phẩm máy tính điện tử cá nhân, máy photocopy, máy hủy tài liệu, máy ép plastic, máy scan mã vạch, máy chấm công, ổ cắm điện; và 22,5 triệu sản phẩm bóng cao su, gậy cao su, thảm cao su, dụng cụ vệ sinh, chổi cao su từ cao su thành phẩm với doanh thu khoảng 5 triệu USD/năm.
Lũy kế đến hết tháng 8/2024, Hải Dương có 577 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 10,6 tỷ USD đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tập đoàn Việt Phát thực hiện dự án gần 8.400 tỷ đồng ở Đồng Nai