Một bộ phận không nhỏ đang quá dựa dẫm vào kiến thức trên máy tính.
Có một lần, tôi mang xe máy đi chữa. Một công nhân mới học nghề, được phân công sửa chiếc xe ấy. Anh ta nổ thử, rồi tháo lắp mãi vẫn không phát hiện được bệnh, đành bó tay, chờ bác công nhân già.
Ảnh minh họa. |
Bác mở máy, nghe tiếng nổ, nhưng rung thử xe, thì máy lại chết, làm lại lần nữa cũng vẫn hiện tượng ấy. Từ đấy, bác hiểu ngay máy không chạy đều là do ốc vặn bị lỏng, giờ siết chặt lại là xong. Khởi động máy không còn bị tắc nghẽn mà chạy bình thường, bác bảo cậu công nhân trẻ phải luyện nghe tiếng nổ của máy để phân biệt nó hỏng ở đâu, vì mỗi bộ phận hỏng sẽ có tiếng nổ hơi khác nhau. Kiến thức này, bác công nhân già đã tự rút ra được từ sự từng trải trong công việc mà không có sách vở nào trang bị cho cả.
Từ trường hợp trên, theo tôi người có kinh nghiệm thì dù gặp việc khó khăn đến mấy, vẫn có thể bình tĩnh, tìm được cách giải quyết. Một người mới ra trường, kiến thức còn đang nóng hổi, nhưng chưa va chạm thực tế, thiếu kinh nghiệm, gặp việc dù có hơi khó khăn một chút, cũng đã lúng túng chưa biết vận dụng kiến thức để xử lí.
Lớp trẻ ngày nay lại tự mãn với sách vở kinh điển, coi kinh nghiệm sống chỉ là một chút gia vị thêm vào bát nước chấm, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Thế là ta đánh giá sai về kinh nghiệm. Chúng ta nên nhớ rằng, nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều việc, ta không thể cứ bài bản dập khuôn sẵn là giải quyết được vấn đề mà phải có kinh nghiệm sống mới thành công.