Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu của Lào vừa bị vỡ tối 23/7 nằm trên các phụ lưu của sông Mekong. Sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào vừa qua đã khiến nhiều người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và hơn 6.600 người mất nhà cửa.
Đập Ubol Ratana ở Thái Lan. Ảnh: Wikipedia. |
Được biết, Pian-Xe Namnoy chỉ là một trong số hàng trăm đập thủy điện đã, đang và dự kiến sẽ được xây dựng ở lưu vực sông Mekong - con sông được xem là cuội nguồn của sự sống cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, khi nó chảy qua 6 quốc gia từ thượng nguồn xuống gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Với lưu vực rộng 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỉ m3, sông Mekong có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực vùng lưu vực sông.
Chính vì vậy có thể thấy trong những năm gần đây, rất nhiều dự án đập thủy điện đã và đang được triển khai trên dòng chính sông Mekong. Trong đó, Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch khoảng 20 đập thủy điện.
Hiện trạng các đập thủy điện lưu vực sông Mê Kông tính đến tháng 3/2018. Ảnh: CGIGAR/Zing.vn. |
Cuối thế kỷ 20, Mekong vẫn là một trong số ít những con sông lớn chưa bị ngăn đập trên dòng chảy. Tuy nhiên, cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch xây ít nhất 7 đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong và đến nay đã hoàn thành và đưa vào vận hành 5 đập.
Lào và Campuchia cũng đã lập kế hoạch xây dựng 12 đập trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong.
Mời độc giả xem video: Sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào (Nguồn: Daily Mail)
Hồi tháng 6/2018, Ủy ban sông Mekong Lào đã đệ trình bản mô tả chi tiết dự án thủy điện Pak Lay để Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) xem xét và thông báo cho các nước thành viên MRC theo yêu cầu của Hiệp định Mekong năm 1995. Được biết, đây là dự án thứ tư của Lào sau thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.
Ở các dòng nhánh sông Mekong, hiện nay đã có tới 94 đập thủy điện. Theo thống kê của Ủy hội Mekong, đến năm 2030 dự kiến sẽ có thêm 30 đập nữa được triển khai trên các dòng nhánh của sông.