Science News dẫn lời nhà nghiên cứu sinh vật học Shin-ichiro Oka, đến từ Motobu, Nhật Bản cho biết, cua dừa khổng lồ nhưng lại nhút nhát và không bao giờ chủ động tấn công người.
Hai lần bị cua dừa kẹp tay, dù không đến mức gãy xương nhưng ông Oka mô tả cảm giác lúc đó giống như “địa ngục vĩnh hằng”. Ông Oka quyết định dùng máy đo để xác định lực kẹp càng trái của loài cua khổng lồ này và nhận được kết quả đáng kinh ngạc.
Cua dừa treo cây rất giỏi và biết cách "bổ dừa" để ăn. |
Cụ thể, ông Oka đo được lực kẹp của càng trái cua dừa mạnh tới 1.765 newton, con số này cao hơn nhiều so với lực cắn của răng nanh sư tử (1.315 newton) và nhỏ hơn một chút so với lực cắn của răng hàm sư tử (2.024 newton).
Vì lực kẹp sẽ tăng theo kích thước cơ thể, nên con cua dừa nào càng to thì lực kẹp chúng tạo ra càng mạnh. Đặc biệt, càng trái thường to hơn càng phải. Đã có không ít trường hợp người bị cua dừa cắp toạc thịt da, thậm chí nghiền nát cả ngón tay.
Cua dừa chủ yếu sống tập trung tại các hòn đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chúng là động vật chân đốt sinh sống trên cạn lớn nhất thế giới với trọng lượng trung bình lên tới 4kg và sải chân dài tới 1 mét.
Kiểm tra lực kẹp của càng cua dừa. |
Cua dừa chủ yếu ăn trái cây, các loại hạt, và phần lõi của cây đổ, nhưng cũng ăn cả xác động vật chết và một số loài động vật nhỏ như chuột. Loài cua này có mối liên quan đặc biệt đến cây dừa, vì chúng thường kiếm ăn bằng cách bổ vỏ dừa và ăn phần cùi bên trong.
Quá trình “bổ dừa” sẽ phải mất tới vài tiếng, nhưng chúng có thể mở lớp vỏ cua đỏ chỉ trong vài giây, chuyên gia Jakob Krieger đến từ Đại học Greifswald ở Đức nói.
Ông Kriger từng chứng kiến cảnh cua dừa kẹp đứt một càng cua đỏ để làm bữa tối. Nạn nhân sau đó may mắn chạy thoát.