Các bãi giữ xe chợ hoa xuân công viên 23 tháng 9 trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1 lấy giá “cắt cổ”. Ảnh : Đại Việt. |
Tóm gọn trộm ở bãi gửi xe tòa nhà Lotte Center Hà Nội
(Kiến Thức) - Lấy cắp được laptop dễ dàng ở bãi gửi xe ở tòa nhà Lotte, Hùng tiếp tục kiểm tra cốp các xe tay ga nhưng chưa kịp trộm đã bị tóm.
Cô giáo xương thủy tinh nặng 15 kg “đốn tim” người gặp
(Kiến Thức) - “Không được là cô giáo đứng trên bục giảng thì em làm “cô giáo” ở nhà, cô gái mắc bệnh xương thủy tinh chỉ nặng 15 kg nhưng kiên cường kì lạ.
Đến gặp cô gái 25 tuổi mắc bệnh xương thủy tinh, chỉ nặng 15kg nhưng luôn khao khát và thực hiện ước mơ được làm cô giáo trong một ngày hanh, rét của tiết trời chuyển mình đón Tết, nhóm phóng viên được cô Nguyễn Thanh Sự (53 tuổi, mẹ đẻ của cô gái) đón tiếp.
Đi ngang qua ô cửa sổ của căn buồng cạnh phòng khách, chúng tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ bé đang ngồi cho các em học sinh kiểm tra toán. Em chính là Nguyễn Thị Ngọc Tâm (10/11/1990, trú tại Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, Nam Định).
Nguyễn Thị Ngọc Tâm cho học sinh làm bài kiểm tra |
Giấc mơ được đến trường
Kể về cuộc đời của mình Ngọc Tâm cho biết, Tâm bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ. Khi mới sinh ra một chân của em bị quặt ngược lên trên bụng không thể duỗi thẳng. Đến năm lên 2 tuổi rưỡi, Tâm được gia đình đưa đi bệnh viện Thụy Điển để phẫu thuật. Lần phẫu thuật đó đã giúp chân của Tâm có thể duỗi thẳng ra nhưng em vẫn không thể đi lại được.
Tâm được tặng một chiếc xe lăn nhưng em không đủ sức để điều khiển và di chuyển do chiếc xe quá to còn Tâm thì chỉ nặng 15kg, ngồi lọt thỏm. Nếu muốn ra ngoài cho thoáng thì bố mẹ thường cho em ngồi lên chiếc xe ba bánh mà bố em tự chế đẩy xung quanh sân vườn.
“Cuộc sống của em gắn liền với bệnh viện, năm nào cũng phải đi thăm bác sĩ, không thăm thì lại nhớ không chịu được. Cả 30 mươi ngày thì cả 30 ngày phải uống thuốc. Nhiều khi bị nghẹt thuốc, bố mẹ em phải lấy máy xông thuốc mới qua được. Mà bệnh này của em dễ thăng lắm, bắt đi lúc nào thì em đi lúc đó thôi” - Tâm dí dỏm nói về cuộc đời mình.
Bài thơ Tâm viết về chính số phận của mình |
Sau này đến tuổi đi học, nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Tâm cũng khao khát được học chữ và thực hiện ước mơ làm cô giáo. Biết được nguyện vọng của con gái, gia đình Tâm cũng hết sức để chắp cánh cho ước mơ này của em.
Ngọc Tâm chia sẻ, thời đi học, chủ yếu là mẹ đưa em đi, còn những lúc mẹ đi làm đồng thì ông bà ngoại đưa đi. Ngày nào cũng như ngày nào dù mưa gió, bão bùng, ông bà ngoại và mẹ của Tâm vẫn cố gắng chở em đến lớp đều đặn rồi lặng lẽ ngồi ngoài cửa lớp chờ để đón em.Và kết quả là năm nào Tâm cũng đạt học sinh giỏi.
Tâm cho hay, điều tuyệt vời nhất của em khi đi học là được bạn bè quan tâm, chơi với em, không có bạn nào kì thị hay trêu chọc em cả. Ở lớp các bạn hay gọi Tâm là “đại sư huynh”, đôi lúc lại đặt cho cái biệt danh là “tể tướng lưu gù”.
“Em nhớ nhất là có một lần thi học kì, trường bất ngờ đổi địa điểm phòng thi. Không còn cách nào khác, bạn thì xách cặp cho em , rồi mấy bạn xúm vào khệ nệ khiêng cái ghế của em sang phòng khác. Điều đó làm em rất cảm động.” – Tâm kể.
9 năm đi học, số lần đến bệnh viện của Tâm mỗi ngày một tăng. Càng lớn Tâm càng mắc nhiều bệnh về tim, phổi, dạ dày… Chính vì thế, Tâm phải bỏ dở giữa chừng con đường học vấn của mình ở cấp hai do điều kiện sức khỏe không đảm bảo, trường cấp ba lại cách xa, nhà không có xe máy để đưa đi.
“Đức năng thắng thiên”
Tâm trải lòng, bản thân không cam lòng nhìn thấy bố mẹ quá vất vả vì phải lo cho em nên tự mình tập đứng, tập đi mặc cho những cơn đau buốt trong xương tủy dày vò cơ thể. Nhưng ông trời lại phụ lòng người tốt, Tâm vẫn không thể đi lại được hay khá hơn.
Tuy vậy, Tâm vẫn không từ bỏ khát vọng sống có ích và ước mơ nhỏ bé được làm cô giáo của mình. Tâm luôn chọn cách chống chọi với bệnh tật như lời bố em dặn là “Con phải học cách đối mặt với nó, áp đảo nó và không chấp nhận đầu hàng thì con mới thắng được nó”.
Do đó, ngay từ khi vẫn học lớp 6 Tâm đã bắt đầu kèm thêm cho hai em lớp dưới sinh năm 95 và giờ có một em đã đang là sinh viên năm 2 của một trường đại học. Cứ như vậy, dần dần số học sinh của em ngày càng tăng. Đỉnh điểm là vào mùa hè, lớp lên đến 20 – 30 em ở các xã đến theo học. Các em này gồm học sinh tất cả học sinh cấp I và cấp II, em nào có nhu cầu muốn được học là Tâm sẽ hướng dẫn.
Tâm nói: “Em thì trình độ không cao nhưng biết đến đâu em sẽ hướng dẫn đến đó. Em cũng không cố định trong một môn mà em mở rộng ở nhiều môn. Chỉ cần các em bảo: cô ơi em chuẩn bị kiểm tra môn này là em sẽ hướng dẫn. Dù không biết nhiều nhưng em cũng cố gắng tìm thông tin làm đề cương cho các em theo đề cương mà cô giáo bộ môn đưa cho các em.”
“Không được là cô giáo đứng trên bục giảng thì em làm “cô giáo” ở nhà vậy. Đó cũng là một cách em thực hiện một góc cạnh nào đó của ước mơ mà em theo đuổi. Mặc dù biết, là cô giáo phải có bằng cấp và được sự công nhận của Nhà nước trong khi em chỉ là....”, Tâm cười nói.
Điều ước giản đơn
Ngoài thời gian kèm các em học sinh, Tâm còn dành thời gian làm thơ, vẽ tranh, viết bài dự thi gửi các báo. Trong cuộc thi "Tôi có 1 ước mơ" trên Đài truyền hình Việt Nam, Tâm đã từng là một trong số những người đoạt giải. Mỗi khi nhận nhuận bút hay giải thưởng, Tâm đều trích tiền mua sách cho các em học sinh của mình.
Khi được hỏi “Nếu em có một điều ước, em sẽ ước điều gì?”, Tâm đáp: “Nếu có một điều ước, em ước mình có sức khỏe bởi có sức khỏe là có tất cả. Khi có sức khỏe rồi, em có thể kèm thêm cho các em học tập, làm nhiều bài thơ, viết nhiều bài dự thi để có nhiều tiền mua sách cho các em, phần nào phụ giúp cha mẹ tiền thuốc của mình.
Bài thơ Tâm viết để gửi những người bạn cùng chung số phận |
Em mong ước có thể mang những vần thơ do chính mình làm đi đến thật nhiều nơi để được đọc và truyền niềm tin yêu vào cuộc sống tươi đẹp cho các bạn có hoàn cảnh giống với em ở mọi nơi.”
Sau khi nói chuyện với Tâm, chúng tôi bước chân ra về, tiếng Tâm giảng bài cho các em vẫn văng vẳng, em là bông hoa đẹp cho đời dẫu bản thân phải đối mặt với nghịch cảnh...