Có thời điểm, tại thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) không khó để bắt gặp người dân tay xách những con dúi rừng còn sống vừa đào được còn lấm lem bùn đất mang đi bán. Chúng tôi gặp một phụ nữ ở bản Chắn (xã Thạch Giám), chị cho biết, mấy con dúi này chồng chị vừa đi rừng đào được, con nhỏ thì hơn 1kg, con lớn 1,4 kg. Giá dúi cũng không quá đắt, chỉ 150.000 đồng/kg. Chỉ một loáng, người phụ nữ kia đã bán hết số dúi kia.
Dúi rừng được mang đi bán ở thị trấn Hòa Bình (Tương Dương). Ảnh: Minh Khuê |
Tại một số địa bàn khác của huyện Kỳ Sơn, việc bà con dân bản đi săn bắn hàng ngày và mang về những động vật hoang dã trong rừng như sơn dương, chồn, dúi để bán cũng không còn xa lạ. Một thợ săn ở bản Nậm Khiên (xã Nậm Càn) cho hay, mỗi lần đi săn họ thường ở rừng 2-3 ngày, có khi cả tuần nếu chưa săn được gì. Với những loài vật nhỏ như dúi thì chủ yếu dùng cuốc, thuổng để đào, còn sơn dương, chồn phải dùng súng kíp. Chúng tôi để lại số điện thoại để “đặt hàng” người thanh niên này.
Một con sơn dương vừa bị bắn hạ được bán lại cho một nhà hàng. Ảnh: Minh Khuê |
Vào giữa tháng 2/2017, chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại vào đêm khuya của một thanh niên thông báo vừa bắn hạ được 1 chú sơn dương lớn. Khoảng 23 giờ đêm, chiếc xe máy đến chỗ hẹn chở theo bì tải còn ướt máu của con sơn dương nặng hơn 50 kg vừa mới săn được. Sau một hồi thương lượng, con sơn dương được bán lại cho một cửa hàng với giá hơn 7 triệu đồng.
Khi hỏi, anh mang sơn dương đi bán mà không sợ bị bắt à? Anh trả lời ấp úng: “Phải đi ban đêm thôi, ban ngày gặp bộ đội biên phòng thì bị tịch thu ngay”. Cũng theo lời anh, mùa này người dân đi xa có thể bắn được nhiều sơn dương. Thịt sơn dương vừa bổ, rẻ và sạch nên có chừng nào đều được lùng mua chừng đó.
Chồn bạc má có sọc trắng trên đầu là món hàng đang được ưa chuộng. Ảnh: Minh Khuê |
Vào các phiên chợ biên giới giữa Kỳ Sơn và Noọng Hét (Lào) không khó khăn để tìm mua được 1 con don rừng (loại động vật cùng họ với nhím) và chồn. Ngoài ra khách hàng thoải mái lựa chọn đủ các loại chồn: chồn bay, chồn bạc má, chồn hương… với giá vừa phải. Nhiều khách hàng khi đến phiên chợ đều tìm mua các loại động vật này vì theo họ đây là “đặc sản”.
Don rừng được bày bán tại chợ phiên Nậm Cắn. Ảnh: Minh Khuê |
Có thể nhận thấy rằng, các loại động vật hoang dã đang bị săn bắt và đứng trước nguy cơ tuyệt diệt, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Cần sớm ngăn chặn tình trạng này để bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học trên núi rừng miền Tây Nghệ An.