Mẹ chết chôn con theo mẹ, đó là hủ tục bao đời nay của người đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).
Họ cho rằng, nếu sinh con ra mà người mẹ không may chết đi thì phải chôn con theo mẹ. Vì nếu không chôn con theo mẹ, thì hồn ma người mẹ sẽ về đòi con và bắt người dân trong làng.
Phụ nữ và trẻ em, những đối tượng chịu hủ tục nặng nề. |
Lời nguyền kinh dị
Nam Trà My là huyện miền núi của Quảng Nam, nằm dưới chân dãy Ngọc Linh, là “mái nhà” của các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, M'Nông, Cor. Các dân tộc thiểu số vùng này chiếm 98% dân số. Và nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục rùng rợn với những truyền thuyết hãi hùng.
Theo người làng kể lại, xưa trong làng có một người vợ sinh đôi nhưng không chịu mang con bỏ vào rừng. Một thời gian sau cả gia đình đó đều mắc bệnh mà chết. Riêng người chồng thì trở nên khờ dại và cứ lang thang mãi trong rừng.
Rồi một người mẹ khi sinh con bị băng huyết chết khi đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ ấy lớn lên lại không có được hình thù của một con người còn những người thân trong dòng họ lần lượt chết yểu không rõ nguyên nhân… Mọi người ở đây quan niệm trẻ sinh đôi hoặc mẹ đã chết thì đứa con là con của “ma rừng” nên buộc phải trả về cho rừng, để nó sống dân làng sẽ bị ma rừng về quấy phá, đòi con.
Người mẹ sinh con nếu không may mà chết thì đứa con sẽ được chôn sống theo mẹ. Nếu sinh đôi, thì những đứa con sẽ được mang lên rừng bỏ làm mồi cho thú dữ. Trước đây, khi sinh đôi người ta thường bỏ cả hai đứa, giờ thì giữ lại một đứa. Thường khi bỏ con, người ta không chôn ngay mà bỏ đứa bé vào một cái giỏ và treo lên cây khoảng 2-3 ngày rồi mới đem đi chôn. Nếu ai không làm như thế sẽ bị “ma rừng” bắt phạt, dân làng xa lánh.
Đồng bào dân tộc về đây định cư sinh sống từ thời ông bà tổ tiên, cũng có những người vào định cư được mấy chục năm. Nhưng cuộc sống của họ vẫn trông cả vào rừng và gạo cứu đói của Nhà nước. Họ vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh từ rừng già và những phong tục lạc hậu.
Anh Trần Văn Anh, là giáo viên công tác ở miền núi Nam Trà My hơn 10 năm, người đã nhiều lần tham gia giải cứu các cháu bé bị chôn theo mẹ thành công, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện như không có thật. Cách đây 5 tháng, chị Hồ Thị Thanh, ở xã Trà Cang, Nam Trà My có 4 người con, người con lớn nhất cũng đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Chị Thanh không có ý định sinh thêm con, nhưng bị vỡ kế hoạch.
Sau khi sinh đứa bé thì chị bị băng huyết rồi chết. Theo tập tục nơi đây, khi chôn người mẹ thì người con phải được chôn theo. Nếu không sẽ bị ma rừng về quấy phá dân làng. Xác của chị Thanh và cháu bé mới sinh còn đỏ hỏn cũng được cho vào quan tài, dùng chân của người mẹ đè lên cổ họng cháu bé. Mặc cho cháu bé khóc thảm thiết. Và nghi lễ vẫn được tiến hành theo đúng thời gian quy định.
Một em bé may mắn không bị chôn theo mẹ. |
Mọi người trong bản cũng không ai dám ngăn cản bởi lẽ ai cũng sợ nếu để đứa bé ở lại, con “ma rừng” sẽ về bắt cả bản. Ngay cả anh Hồ Văn Vai, chồng của chị Thanh, bố của đứa trẻ cũng chỉ xót xa nhìn con tím tái vì đói, rét mà nước mắt chảy tràn. Sáng sớm hôm đó, mọi người chuẩn bị tiễn chị Thanh về với ông bà tổ tiên ngoài bìa rừng. Ngoài tiếng kêu khóc của những người thân, còn cả tiếng thở của đứa bé vừa sinh ra còn thoi thóp.
Câu chuyện được truyền đến Trạm y tế xã và kế hoạch cấp tốc giải cứu cháu bé được vạch ra. Lần đó có sự tham gia của anh Anh. Trạm y tế xã đã kịp thời phối hợp với cán bộ xã Trà Cang trực tiếp vào nhà tuyên truyền, thuyết phục vận động người nhà, già làng và những cụ cao tuổi. Làm trái với luật tục, quy định của làng, nên già làng tỏ ra gay gắt: “Nếu con ma nó quay lại bắt người trong bản thì sao?” Sau gần cả ngày trời, Trạm y tế xã cùng với anh Anh và lãnh đạo xã Trà Cang mới thuyết phục được dân làng để đứa bé cho chị Hồ Thị Yên - là cán bộ y tế của xã - (chị Yên cũng là người dân bản, được đi học về y tế có chồng là người Kinh) nhận nuôi.
Trước mắt chị nhận nuôi đứa bé để cứu sống đứa trẻ, sau khi mọi việc đâu vào đó thì tiếp tục tính bước khác. Đó cũng là hội ý chung cho cả đội lúc đó. Cháu bé ngay sau khi được giải cứu, đã được chăm sóc, sức khỏe trở lại bình thường. Sau một tháng ở nhà chị Yên, khi cháu bé đã hoàn toàn bình phục thì có một phụ nữ ở xã Trà Don (hai vợ chồng lấy nhau chưa có con) muốn nhận về nuôi. Chị Yên cùng với đội giải cứu bàn bạc và đến trung tâm huyện làm thủ tục trao nhận con nuôi.
Cuộc chiến chống “ma làng”
Tiếp tục trò chuyện với chị Yên, chị cho biết: “Mình là người dân bản ở đây, đúng ra là mình phải làm theo phong tục, tập quán của làng. Nhưng giờ mình làm trái như thế này cũng sợ lắm, sợ cha mẹ mình buồn. Sợ làng buồn và ghét mình thêm. Nhưng mình được học hành, có cái chữ, cái đầu mình phải suy nghĩ thoáng hơn. Có cái nhìn rõ hơn về luật tục của làng mình, cái nào đúng thì mình học, cái nào đi ngược với xã hội thì mình phải loại bỏ. Luật tục là vậy, nhưng tôi không tin. Tôi nghĩ, tất cả đều xuất phát từ nhận thức của người dân thôi, làm gì có ma rừng”.
Cuộc sống nghèo và lạc hậu của những người phụ nữ.
Cuộc sống nghèo và lạc hậu của những người phụ nữ. |
Anh Trần Văn Anh cũng cho biết: “Chúng tôi hết sức bàng hoàng nhưng việc can thiệp vào phong tục của người dân rất khó đối với chính quyền. Thời gian qua, chúng tôi vẫn âm thầm chống lại hủ tục này. Hễ nghe có sản phụ nào không may tử vong sau khi sinh con là chúng tôi lại phải canh chừng và ngay lập tức tìm già làng thuyết phục, vận động, thậm chí phải cầu cứu để giành mạng sống cho đứa trẻ. Thật kinh khủng khi chứng kiến hủ tục này”.
Có hàng trăm người đàn ông dân tộc ít người nơi Trường Sơn heo hút này phải sống trong cô độc và xót xa bởi họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân khi đã tự tay chôn đi những đứa con của mình khi vợ chết. Nhưng chính bản thân họ lại không nhận ra được điều đó. Họ nghĩ làm như thế mới đúng với luật tục, như thế họ mới sống tốt và yên ổn hơn. Và cứ như thế, hủ tục này đã tồn tại hàng trăm năm qua. Hỏi chuyện những người dân xã Trà Cang, chúng tôi chỉ nhận được lời giải thích đơn giản: “Tục lệ đã có từ thời cha ông. Người mẹ nào cũng không muốn xa con, kể cả khi đã chết. Hơn nữa, mẹ nó chết thì ai cho nó bú nên phải chôn theo thôi”.
Cho đến nay, dù hầu hết các buôn làng đã tiếp xúc với ánh điện, các tiện nghi văn minh khác, nhưng hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh theo mẹ chết vẫn còn tồn tại. Sự việc vừa qua ở xã Trà Cang chỉ là một điển hình trong rất nhiều vụ việc đang âm thầm diễn ra.
Nhìn những bản làng nằm lọt trong những cánh rừng già của dãy Trường Sơn hùng vĩ, điều mà mọi người cùng cảm nhận là ở đây chẳng có gì ngoài cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu bủa vây cuộc sống của bản làng. Bữa cơm hằng ngày người dân vẫn ăn bốc chứ chưa biết dùng đến thìa hay đũa. Vì thế những hủ tục lạc hậu vẫn có đất để sống là điều không khó hiểu.
Bên cạnh hủ tục chôn con theo mẹ, còn có rất nhiều hủ tục khác đến nay vẫn tồn tại, tuy có hạn chế hơn thuở xưa. Ví dụ như tục cưới vợ 3 lần.
Nghĩa là một cặp vợ chồng sẽ có 3 lần đám cưới trong đời và đám cưới nào cũng linh đình, thậm chí đám sau còn lớn hơn đám trước. Đáng nói ở chỗ, nếu cha mẹ chết đi mà chưa kịp làm đám cưới lần ba thì vợ chồng người con trai phải thế chỗ, nhập vai cưới thay cho cha mẹ mình thì mới mong họ nhắm mắt nơi suối vàng.
Hoặc trong nhà có người chết thì dân bản rất ít đến thăm hỏi. Theo họ, việc đến thăm nhà người chết sẽ bị ma ám. Nếu ai vì tình cảm mà đến thì phải chờ người chết chôn xong rồi mới được về nhà. Trước khi về họ phải đun nóng 4 hòn đá, dùng lá rừng kết lại thành cái “bót” (bồn) rồi thả chỗ đá ấy vào. Vừa thả vừa khấn: “Ma quỷ đừng sinh nữa, theo mây, theo gió đi”.
Mang theo lá rừng đã dùng vào lễ đó về nhà tắm rửa, người ta mới yên tâm là không còn ma quỷ ám nữa. Những hủ tục như vậy hiện vẫn còn tồn tại rải rác trong các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Nghĩa là một cặp vợ chồng sẽ có 3 lần đám cưới trong đời và đám cưới nào cũng linh đình, thậm chí đám sau còn lớn hơn đám trước. Đáng nói ở chỗ, nếu cha mẹ chết đi mà chưa kịp làm đám cưới lần ba thì vợ chồng người con trai phải thế chỗ, nhập vai cưới thay cho cha mẹ mình thì mới mong họ nhắm mắt nơi suối vàng.
Hoặc trong nhà có người chết thì dân bản rất ít đến thăm hỏi. Theo họ, việc đến thăm nhà người chết sẽ bị ma ám. Nếu ai vì tình cảm mà đến thì phải chờ người chết chôn xong rồi mới được về nhà. Trước khi về họ phải đun nóng 4 hòn đá, dùng lá rừng kết lại thành cái “bót” (bồn) rồi thả chỗ đá ấy vào. Vừa thả vừa khấn: “Ma quỷ đừng sinh nữa, theo mây, theo gió đi”.
Mang theo lá rừng đã dùng vào lễ đó về nhà tắm rửa, người ta mới yên tâm là không còn ma quỷ ám nữa. Những hủ tục như vậy hiện vẫn còn tồn tại rải rác trong các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.