Đầu tháng 8/2017, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã ra mắt cửa hàng cà phê mang thương hiệu King Coffee đầu tiên tại TP HCM. Đây là chuỗi cà phê của riêng bà Thảo sau khi vướng vào vụ ly hôn nghìn tỷ với ông Vũ và bà Thảo cũng nắm giữ chức Tổng Giám đốc Trung Nguyên International Corporation (TNI).
Cà phê King Coffee ra mắt lần đầu vào tháng 10/2016 tại Mỹ sau đó tiếp tục phát triển ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc… trước khi về lại Việt Nam vào tháng 8/2017.
Cách phát triển sản phẩm của King Coffee khác với đa số các sản phẩm và công ty khác, King Coffee của TNI Corporation được ra mắt và chinh phục thị trường quốc tế rồi sau đó mới trở về Việt Nam.
Tiền thân của TNI Corporation là Trung Nguyên International có công ty mẹ là Trung Nguyên Group được thành lập vào năm 2008 ở Singapore với lĩnh vực hoạt động là phát triển cà phê Việt Nam và dòng sản phẩm cà phê hoà tan G7 trên thương trường thế giới. Đến tháng 7/2015, chính thức đổi tên thành TNI Corporation và tách khỏi Trung Nguyên Group.
Như vậy, có thể thấy TNI Corporation của bà Thảo đã tách và hoàn toàn biệt lập với Trung Nguyên Group của ông Vũ. Chính vì thế, khi sản phẩm King Coffee của bà Thảo ra mắt với quá nhiều điểm tương đồng với cà phê Trung Nguyên, không ít người đã bất ngờ.
Tờ catalog giới thiệu King Coffe có những nội dung sau: “Với 20 năm đi đầu trong ngành sản xuất cà phê của Việt Nam và xây dựng thành công thương hiệu cà phê G7, đội ngũ chuyên gia hàng đầu của chúng tôi đã nghiên cứu và cho ra đời King Coffee – Thế hệ cà phê vượt trội, ngon nhất và cao cấp nhất...Các sản phẩm mang thương hiệu King Coffee được sản xuất trên công nghệ hiện đại của châu Âu tại các nhà máy lớn nhất đã sản xuất ra G7 của Trung Nguyên".
|
Tờ catolog của King Coffee có nhắc đến thương hiệu G7 của Trung Nguyên. Ảnh: Internet. |
Viêc giới thiệu này sẽ không có gì lạ nếu TNI vẫn còn nằm trong hệ thống của Trung Nguyên Group và vợ chồng bà Thảo vẫn "cơm lành, canh ngọt". Tuy nhiên, thời điểm này, vợ chồng bà Thảo chỉ còn đang đợi phán quyết của tòa để được ly hôn. Và bà Thảo quyết tách ra thành lập công ty khác, như khẳng định vị thế, vai trò, tài năng độc lập của mình. Bởi vậy, không ít người cho rằng, việc bà nhắc đến thương hiệu đình đám của chồng là Trung Nguyên và G7 khi ra mắt thương hiệu của chính mình là điều không nên và không hợp lý.
Thêm nữa, các quán cà phê King Coffee của bà Thảo mở ra có nhiều nét na ná với chuỗi Trung Nguyên cũ - một Trung Nguyên trước khi bị ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm mới như bây giờ - như bộ nhận diện, ly cà phê và thông điệp truyền tải.
Theo menu King Coffee, cà phê Arabica và Robusta… có nguồn gốc từ Buôn Mê Thuột. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, thương hiệu Trung Nguyên cũng xuất xứ từ Buôn Mê Thuột.
|
Menu của King Coffee. Ảnh: CafeBiz. |
Trong chuỗi King Coffee, bà Thảo nhấn mạnh “tinh hoa cà phê”, “thưởng thức cà phê đúng chất”. Bà Thảo cũng có nhắc đến “khơi nguồn cảm hứng”, “nơi kết nối tinh hoa, sáng tạo và đam mê” mà khách hàng vẫn hay nghe từ Trung Nguyên.
Đặc điểm nhận dạng bên ngoài của cửa hàng King Coffee là hai màu đen và đỏ. Đây cũng là màu sắc chủ đạo của các cửa hàng Trung Nguyên khoảng 2 -3 năm trước đây. Màu sắc, cách thiết kế, thậm chí kiểu chữ King Coffee của bà Thảo cũng khá giống với những cửa hàng Trung Nguyên.
|
Quầy bán cà phê King Coffee. Ảnh: Internet. |
|
Một quán cà phê của King Coffee. Ảnh: Cafebiz. |
|
Một cửa hàng Trung Nguyên vài năm trước, không quá nhiều khác biệt so với King Coffee. Ảnh: Vietnammoi. |
|
Thương hiệu Trung Nguyên Legend của ông Vũ hiện tại. Ảnh: Internet. |
Ngay cả việc bài trí của King Coffee cũng được nhiều tờ báo khẳng định có nhiều nét tương đồng với thương hiệu Trung Nguyên trước kia.
Những điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: Việc King Coffee "dựa hơi" thương hiệu Trung Nguyên và có thể gây hiểu nhầm cho khách hàng liệu có phạm luật?
Trả lời thắc mắc này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc các thương hiệu na ná nhau là rất phổ biến trên thương trường.
"Việc một thương hiệu có những nét na ná nhau về đặc điểm nhận diện thương hiệu như logo, mẫu mã sản phẩm... nhưng vẫn có nét khác biệt thì rất khó để khẳng định có vi phạm về bản quyền thương hiệu, cũng không thể khẳng định có vi phạm luật sở hữu trí tuệ hoặc luật cạnh tranh. Đặc biệt, nếu đối phương không lên tiếng hoặc các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, Cục sở hữu trí tuệ cũng không lên tiếng thì càng không thể đưa ra một lời khẳng định hay quy chụp nào", ông Tuấn nói.
Trao đổi với Kiến Thức, một luật sư khác phân tích, ở đây, thương hiệu King Coffee có nhiều nét tương đồng với thương hiệu Trung Nguyên cũ. Hiện nay, Trung Nguyên đã được thay "áo mới", nên King Coffee không giống thương hiệu này. Vì thế, không thể coi King Coffee vi phạm nhãn hiệu của đối thủ.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội, chiến lược này của King Coffee dễ gây nhầm lẫn với thương hiệu khác và ở một góc độ nào đó sẽ “lợi bất cập hại”.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, tuy chiến lược của bà Thảo là nhằm tiếp nối, phát triển những tinh túy của Trung Nguyên - thương hiệu được coi là khởi nghiệp của vợ chồng bà Thảo - nhưng việc King Coffee gợi quá nhiều và có phần "ăn theo" thương hiệu cũ khiến thương hiệu của bà Thảo mờ nhạt và khó có bản sắc riêng.