Trong Thiên long bát bộ, Kiều Phong hay còn gọi là Tiêu Phong, là nhân vật được đánh giá là đáng nhớ của cuốn tiểu thuyết. Ngay từ đầu truyện Kiều Phonng xuất hiện với hình ảnh của một trang nam tử oai phong lẫm liệt. Kiều Phong là một trong những đại anh hùng xuất chúng nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Ngoài ra, nhân vật này cũng là người có võ công mạnh nhất trong các bộ tiểu thuyết.
Kiều Phong là một cô nhi được vợ chồng họ Kiều nhận làm con nuôi, bái 2 vị sư phụ là Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm và Uông bang chủ của Cái Bang. Minh sư xuất cao đồ, kết hợp với năng khiếu bẩm sinh khiến Kiều Phong trở thành 1 đại cao thủ hiếm có.
Nhờ thân thủ cao cường, tinh minh mẫn tiệp, anh hùng hiệp nghĩa, lập được nhiều công lao nên Kiều Phong được kế nhiệm làm bang chủ Cái Bang, đưa Cái Bang lên đỉnh cao nhất so với những lần xuất hiện khác trong tiểu thuyết Kim Dung, được tề danh là 1 trong 2 cao thủ bậc nhất đương thời Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung.
Kiều Phong trong Thiên long bát bộ hầu như không có đối thủ. Kiều Phong là nhân vật chính duy nhất được Kim Dung miêu tả là người có thần lực trời sinh và là kỳ tài võ học, đã học là biết, đã biết là tinh thâm và là người càng gặp vào hoàn cảnh khó khăn thì tiềm lực trong người càng có dịp phát dương.
Đặc biệt, trong đại hội anh hùng ở Tụ Hiền Trang, tất cả các nhân sĩ võ lâm và các môn phái tập trung lại để bàn ra kế hoạch bắt Kiều Phong vì nghi anh là thủ phạm sát hại cha mẹ nuôi. Kiều Phong lấy rượu ra uống xem như tuyệt giao với các bằng hữu trước đây. Trận chiến diễn ra, một mình Kiều Phong chống quần hùng và đánh bại nhiều cao thủ võ lâm ở Trung Nguyên như Đàm Ông, Đàm Bà, Triệu Tiền Tôn, Du Thị, ngũ đại trưởng lão Cái Bang…
Sau đó, cũng tại Thiếu Lâm Tự, Kiều Phong một chưởng đánh lui Đinh Xuân Thu và một mình chấp cả hắn, Du Thản Chi và Mộ Dung Phục. Qua đây, có thể nói, võ công của Kiều Phong đã đạt tới mức thượng thừa.
Sở dĩ Kiều Phong mạnh như vậy là vì chàng ta đã lĩnh hội được các môn võ công đều đứng hàng đầu của các môn phái. Nhiều học giả nghiên cứu các tác phẩm của Kim Dung cho hay, Kiều Phong dù biết nhiều võ công nhưng mới dùng 2 môn đã lừng lẫy thiên hạ. Trong đó, Hàng long thập bát chưởng được sử dụng nhiều nhất, môn võ thứ hai mới dùng 2 lần và môn võ mạnh nhất thì chàng chưa từng sử dụng. Đó là những môn võ nào?
Hàng long thập bát chưởng ( còn được biết đến với tên Giáng Long Thập Bát Chưởng trong các bản dịch cũ ) là môn võ công chí dương chí cương trong thiên hạ, uy lực tuyệt luân, có khả năng hàng long phục hổ, do đó chỉ phù hợp với nam giới, mà phải là người chính trực và kiêu dũng, như chính bản thân của môn võ đó. Môn võ này ban đầu là Hàng Long Nhị Thập Bát Chưởng, sau khi được Kiều Phong chỉnh sửa mới trở thành Hàng long thập bát chưởng, truyền đến đời Hồng lão bang chủ.
Trong Thiên long bát bộ, Kiều Phong nhờ vào 18 đường chưởng pháp uy mãnh, phát huy uy lực đến chỗ tận cùng mà trấn áp quần hùng. Kiều Phong cũng là người duy nhất sử dụng Hàng long thập bát chưởng đến độ xuất chiêu Thần Tốc. Chỉ bằng 3 chiêu Hàng long thập bát chưởng, Kiều Phong đã đẩy lùi cùng một lúc 3 đại cao thủ đương thời là Tinh Túc lão quái, Cô Tô Mộ Dung Phục và Du Thản Chi. Đối đầu với Vô Danh thần tăng, một cao thủ có võ công siêu phàm nhất, Kiều Phong một chưởng đánh ông ta gãy mấy cái xương sườn. Chẳng trách, Vô Danh thần tăng đã công nhân Hàng long thập bát chưởng là môn võ mạnh nhất thiên hạ.
Cầm long công là võ học do Kiều Phong sáng tạo dựa vào lĩnh hội từ võ học của hai phái Thiếu Lâm và Cái Bang, uy lực còn bá hơn Long Trảo Thủ của Thiếu Lâm rất nhiều. Khi giao đấu với Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác, Kiều Phong đã giơ tay chộp vào không khí, một luồng kình lực bắn vào thanh đao dưới đất, thanh đao này bay vào tay Kiều Phong, sau đó ngón tay Kiều Phong đảo lực, cán đao quay ngược về đến phía Phong Ba Ác.
Kiều Phong gần như làm chủ được không khí tạo ra sức sát thương cực lớn. Điều này làm Phong Ba Ác kinh ngạc và phải hỏi Kiều Phong liệu đây có phải Cầm long công? Kiều Phong sau đó trả lời anh chỉ tình cờ học được.
Kỳ thực trước kia giang hồ chỉ nghe loáng thoáng về môn võ công này. Người trong giang hồ đồn rằng Cầm long công là những môn võ có thể chộp được binh khí từ xa khoảng 10 thước. Luyện đỉnh điểm thì chộp được cả người. Từ đây, có thể thấy, Kiều Phong có những khả năng thiên phú về võ học mà không một nhân vật nào khác có được. Tuy nhiên, dù Cầm long công bá đạo nhưng Kiều Phong mới chỉ sử dụng nó 2 lần.
Đả Cẩu Bổng Pháp là thần công trấn bang của Cái Bang, thường dùng chung với bảo vật trấn bang là Đả Cẩu Bổng. Môn bổng pháp này cùng Hàng long thập bát chưởng được xem là võ học trấn bang. Hàng long thập bát chưởng có thể được truyền cho người không phải là bang chủ, nhưng còn Đả cẩu bổng pháp thì nhất định chỉ truyền cho bang chủ.
Đây là một loại Côn Pháp chí cao, từ lâu đã nổi danh nhưng song đến đời Hồng Thất Công, bang chủ thứ 18 của Cái Bang, thì mới thật sự uy trấn giang hồ, và đến đời Hoàng Dung thì được biết đến rộng rãi. Bộ bổng pháp này dùng nhu thắng cương, bao đời Bang chủ Cái Bang nhờ nó mà nổi danh giang hồ.
Những cao thủ về bộ bổng pháp này có thể kể đến như: Kiều Phong, Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Tống Nguyên Ân (trưởng lão đời thứ 12 của Cái Bang)... Dương Quá trong một dịp may mắn đã được Hồng Thất Công truyền cho bộ bổng pháp này. Cậu cũng là người duy nhất không phải là bang chủ Cái Bang học được môn này.
Đả cẩu bổng pháp có 36 chiêu, mỗi chiêu có rất nhiều thức biến hóa khác nhau tạo thành các chiêu thức mạnh mẽ vô song. Đả cẩu bổng pháp dựa trên 8 tự quyết là buộc, đập, trói, đâm, khều, dẫn, khóa, xoay. Dựa vào thực lực của địch thủ, người sử dụng Đả cẩu bổng pháp sẽ sử dụng 1 trong 8 khẩu quyết để đánh lại. Điểm lợi hại của Đả cẩu bổng pháp là từ chiêu thức biến ảo tinh vi mà khiến cho người có võ công kém hơn đối thủ cũng có thể chiến thắng.
Tuy Đả cẩu bổng pháp mạnh như vậy nhưng Kiều Phong chưa bao giờ sử dụng môn võ này vì 2 lý do.
Thứ nhất, Kiều Phong vốn là người có tính khí cứng rắn, mạnh mẽ nên anh ta phù hợp dùng Hàng long thập bát chưởng hơn là Đả cẩu bổng pháp.
Thứ hai, Kiều Phong dùng Hàng long thập bát chưởng và Cầm long công đã thừa sức đánh bại kẻ địch nên không cần dùng tới Đả cẩu bổng pháp nữa. Theo các học giả, Kiều Phong coi Đả cẩu bổng pháp là con át chủ bài của mình nên chỉ khi gặp đối thủ quá mạnh thì chàng ta mới sử dụng đến.