Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi tiến sĩ Fang Fang Zhang, chuyên gia về ung thư và dinh dưỡng ở Trường Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman, thuộc Đại học Tufts (Massachusetts – Mỹ) đã dùng một mô hình máy tính dựa trên dữ liệu từ Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới để liên kết nguy cơ ung thư với các kiểu ăn uống phổ biến.
Chế độ ăn giàu thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, đường và quá ít ngũ cốc, sữa, trái cây, rau quả làm tăng nguy cơ ung thư - ảnh: SHUTTERSTOCK |
Đối chiếu với nhiều nguyên nhân gây ung thư khác cho thấy tỉ lệ ung thư do ăn uống bất hợp lý cao không thua gì tỉ lệ ung thư do lạm dụng rượu.
Nhóm nghiên cứu thống kê được trung bình 80.110 ca ung thư được chẩn đoán mới mỗi năm liên quan đến chế độ ăn uống kém chất lượng. Số ca này tương đương với 5% tổng số ca ung thư mỗi năm trên toàn nước Mỹ, ngang bằng với tỉ lệ ung thư liên quan đến rượu ( 4-6%).
Có khoảng 52.000 trường hợp trong số các ca ung thư do ăn uống là ung thư đại trực tràng (còn gọi là ung thư ruột, bao gồm ung thư đại tràng và ung thư trực tràng). Tiếp theo đó là ung thư miệng, hầu họng, thanh quản, tử cung, ung thư vú sau mãn kinh.
Người trung niên đến giai đoạn đầu của tuổi cao niên (45-64 tuổi) có tỉ lệ mắc ung thư do ăn uống cao nhất.
Chế độ ăn uống bất hợp lý dẫn đến ung thư nói trên bao gồm kiểu ăn ít ngũ cốc, sữa, trái cây, rau quả; nhưng lại nhiều thịt chế biến, thịt đỏ và đồ uống có đường. Xét chi tiết hơn thì chế độ ăn uống thiếu ngũ cốc nguyên hạt và sữa liên quan nhiều nhất đến ung thư, tiếp theo đó là thói quen ăn nhiều thịt chế biến.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học kêu gọi thúc đẩy các chính sách về dinh dưỡng để giải quyết gánh nặng ung thư. Ví dụ, chính phủ nên tiêu chuẩn hóa các nhãn thực phẩm, dán nhãn cảnh báo lên thịt chế biến song song với tài trợ cho các sản phẩm ngũ cốc lành mạnh.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học NCI Cancer Spectrum.