UBND TP.HCM cho rằng việc thí điểm đánh thuế nhà đất thứ 2 sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở Tài chính đề nghị không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở và không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM vào thời điểm hiện nay.
"Đề xuất này không hợp tình hợp lý, nhất là trong lúc thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân bị sụt giảm và cả nước đang trong quá trình nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19", HoREA nhìn nhận.
Theo hiệp hội, nếu tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở theo phương án thí điểm sẽ làm tăng thêm mức chịu thuế của người dân tại TP.HCM. Hơn nữa, trong khoảng 2 năm tới sẽ xem xét sửa đổi các Luật thuế, trong đó dự kiến bổ sung thuế tài sản và dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được Quốc hội xem xét ban hành vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, đề xuất thí điểm tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên có mức thuế suất tăng khá cao, HoREA cho rằng người bán, chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM sẽ phải nộp thêm tiền thuế do được thí điểm trước là không hợp tình hợp lý.
"Đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng đề án Luật Thuế tài sản (thuế bất động sản), trong đó có nghiên cứu đánh thuế người có nhiều nhà đất hoặc chậm hoặc không đưa nhà đất vào sử dụng thì cần phải đánh giá tác động của luật thuế đầy đủ, chính xác đối với các đối tượng chịu thuế", HoREA đề xuất.
Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ, UBND TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên nhằm hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này.
Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị chưa đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TP.HCM vì chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp.
Mới đây, HoREA đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng tổng hợp danh mục 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hiệp hội nhận thấy vấn đề pháp lý chiếm 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. "Theo thông tin trước đây của Sở Xây dựng, TP có khoảng 64 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý nhưng, trong đề xuất phân nhóm vướng mắc của Sở chưa đề cập nội dung này", HoREA cho biết.
Vì vậy, HoREA đề nghị Sở Xây dựng và UBND TP xem xét phân nhóm vướng mắc pháp lý và đề nghị giao cho Sở Tư pháp chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu..