Sáng 25/8, trao đổi với Zing, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông “giật mình” khi nghe thông tin một đại biểu Quốc hội mua hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp). Ông nói chưa từng nhận được báo cáo về việc này.
Tổng thư ký Quốc hội cũng lưu ý hiện có rất nhiều thông tin “méo mó”, không chuẩn xác nên cần tiếp nhận, xác minh thận trọng.
Theo ông Phúc, thẩm quyền quản lý đại biểu thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cố gắng liên hệ với vị đại biểu Quốc hội liên quan tới cáo buộc này nhiều lần, phóng viên không nhận được phản hồi.
Ngày 24/8, hãng tin Al Jazeera (hãng tin Nhà nước của Qatar) tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cyprus (Cộng hòa Síp), cho phép các chính trị gia mua hộ chiếu châu Âu.
Một đại biểu Quốc hội của TP.HCM bị Al Jazeera cáo buộc có tên trong danh sách này.
Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua ngày 19/6, nội dung về tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội đã được chỉnh lý.
Theo đó, Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22 về tiêu chuẩn một quốc tịch với đại biểu Quốc hội, nêu rõ “đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
Hồi tháng 7/2016, khi Hội đồng Bầu cử quốc gia biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín để xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV thì nổi lên trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà Hường là nữ doanh nhân, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhưng lại được phát hiện có thêm quốc tịch Malta.
Việc nhập quốc tịch Malta không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Các cơ quan chức năng xác định việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật. Bà Hường bị bác tư cách đại biểu Quốc hội.
Bản thân bà Nguyệt Hường khi đó cũng xác nhận thông tin này và có đơn xin rút việc tham gia Quốc hội khóa XIV.