Thất thoát hàng nghìn tỷ từ đầu tư BT
Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Tổng Kiểm toán Nhà nước – Hồ Đức Phớc ký ngày 10/5/2018 và báo cáo trước Quốc hội chiều 21/5 cho biết, qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT trong năm 2017 cho thấy, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.
Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu (Hà Nội 5/5 dự án, Đà Nẵng 3/4 dự án, Bắc Ninh 2/2 dự án, Thái Bình 3/3 dự án…) làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.
“Thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách”, báo cáo nêu.
Toàn cảnh dự án đường Kỳ Đồng kéo dài tại Thái Bình theo hình thức BT. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, việc quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá; thanh toán trước cho nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn GTGT do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế GTGT cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh là bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ NSNN.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, vốn đầu tư thực hiện dự án BT, Tổng KTNN cho biết, chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao. Cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho NSNN.
Hơn nữa, nhiều dự án BT giao cho Nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án.
Giảm 120 năm thu phí hoàn vốn của 40 dự án PPP
Kiểm toán Nhà nước cho biết, từ năm 2002 đến nay Bộ GTVT đã thu hút các Nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 233.705,5 tỷ đồng.
Đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2017) có 57 dự án hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giải quyết tắc nghẽn, quá tải và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội
Ngoài ra, qua kiểm toán chi tiết 40 dự án cho thấy: Đưa vào trong phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn, lập phương án tài chính còn thiếu sót, tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn (11% đến 13%).
Nhà đầu tư chưa huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính; vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km và 06 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Việc triển khai thu phí tự động không dừng còn chậm; nghiệm thu, thanh toán còn sai sót; chất lượng thi công chưa đảm bảo...
KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỷ đồng (Năm 2016 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án).