Các chuyên gia phân tích cho rằng, Nga hy vọng khu miền đông Ukraine nhận được nhiều quyền tự trị hơn và không tính tới chuyện lặp lại viễn cảnh giống ở Crimea. Thực tế, Tổng thống Putin đã điều hàng nghìn binh sĩ dọc biên giới phía đông giáp với Ukraine. Đây được coi là lời nhắc nhở về cam kết của ông trong việc bảo vệ những người Nga sinh sống ở quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, việc can thiệp quân sự chỉ là phương án B của ông Putin. Thay vì lặp lại việc làm ở Crimea, điện Kremlin chỉ muốn chính quyền Kiev liên tục cân bằng giữa phương Tây và Nga. Việc tăng quyền tự chủ ở khu vực miền đông (vốn chủ yếu sử dụng tiếng Nga) sẽ giúp nước này có thêm quyền phủ quyết thông qua sự ảnh hưởng của họ trong cộng đồng nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.
Người biểu tình ở miền đông Ukraine lập hàng rào kẽm gai bên ngoài tòa nhà chính quyền Donetsk. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích lập luận, ý tưởng về tăng quyền tự chủ khu vực phản ánh sự phức tạp của địa chính trị Ukraine. Và điều này không nên được bỏ qua một cách đơn giản.
Ở một động thái khác, trong chuyến thăm tới vùng miền đông đất nước hôm thứ 6 (12/4), quyền Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk hứa hẹn sẽ tăng thêm quyền tự chủ cho các khu vực. Còn Moscow lại tập trung đẩy mạnh việc tiếp cận vấn đề này thông qua các cuộc họp ngoại giao, chẳng hạn như cuộc họp 4 bên diễn ra vào hôm thứ 5 này ở Geneva.
Với mong muốn lấy lại sức ảnh hưởng của mình ở Ukraine mà không làm dấy lên một cuộc chiến tranh nào và nhận thêm lệnh trừng phạt khác, Moscow đã đồng ý để Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia tham dự cuộc đàm phán này mặc dù họ luôn không công nhận sự hợp pháp của chính quyền mới ở Kiev.
Trong một cuộc gặp gỡ gần đây ở Paris với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhắc lại mong muốn để Ukraine duy trì “vị trí trung lập”, tức là không bao giờ tìm cách gia nhập NATO. Ông Lavrov cũng khẳng định, sự hiện diện quân đội ở biên giới với Ukraine là để tham gia một cuộc tập trận, và Moscow “hoàn toàn không có ý định và không quan tâm tới chuyện vượt qua biên giới nước láng giềng”.
Với kế hoạch liên bang hóa ở Ukraine thất bại, Tổng thống Putin liệu có sử dụng phương án B, tức triển khai 40.000 quân vượt qua biên giới Ukraine? |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, ông Putin vẫn đang che giấu ý định thực sự của mình trước cuộc bầu cử Tổng thống hôm 25/5 ở Ukraine diễn ra.
“Tổng thống Putin muốn lợi dụng sự đe dọa quân sự để áp đặt một giải pháp. Tuy nhiên, việc xây dựng và viết lại hiến pháp là một quá trình diễn ra rất chậm. Câu hỏi lớn ở đây đó là, ông Putin có thể duy trì áp lực này và sẵn sàng chờ đợi? Hay, Tổng thống Nga sẽ cảm thấy nôn nóng hành động?”, Giáo sư ngành luật nước Nga thuộc Đại học Georgetown William Pomeran nêu quan điểm.
Còn tại khu vực miền đông Ukraine, những người biểu tình thân Nga đã đánh chiếm các tòa nhà công quyền ở một vài thành phố như Donetsk, Lugansk và Slaviansk. Tuy nhiên, theo ông Pomeranz, họ đã không thành công trong việc đưa làn sóng biểu tình lan ra theo một quy mô rộng lớn hơn.
Ông Putin nắm rõ vấn đề rằng, việc tấn công quân sự vào khu vực miền đông Ukraine sẽ đối diện với nhiều kháng cự hơn so với ở Crimea, nơi người Nga chiếm đại đa số dân cư.
Cuộc khảo sát công bố hôm 9/4 do Viện Phân tích Chính trị và Nghiên cứu xã hội Donetsk chỉ ra rằng, chỉ 16% người dân địa phương tham gia khảo sát ủng hộ việc chiếm đóng tòa nhà công quyền. Tuy nhiên, cuộc thăm dò dư luận được tiến hành bởi Viện Cộng hòa Quốc tế chỉ ra, chỉ 4% số người được hỏi sinh sống ở khu miền đông Ukraine muốn ly khai và sáp nhập vào Nga.