Ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 300 người bị thương chỉ 1 ngày sau các cuộc giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraina. Tình hình căng thẳng đang đe dọa chấm dứt một thời kỳ tương đối yên ổn ở phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo Thời báo New York, bên cạnh con số thương vong, hệ lụy từ cuộc xung đột giữa hai nước được dự đoán còn lớn hơn nhiều, với phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu.
Tăng quân số ở sườn phía đông NATO
Dòng người xếp hàng ở bến xe buýt tại Kiev (Ukraina) hôm 24/2. Ảnh: Thời báo New York |
Hôm 24/2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo gửi quân tiếp viện đến sườn phía đông, cùng với khoảng 6.500 lính Mỹ từng được điều động đến các khu vực Đông Âu và Baltic.
“Chúng tôi đang triển khai thêm các lực lượng phòng thủ trên bộ và trên không tới khu vực phía đông, cùng nhiều khí tài hàng hải bổ sung”, NATO cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi đã tăng cường sự sẵn sàng của các lực lượng để ứng phó với mọi tình huống xảy ra".
Lầu Năm Góc cũng đang tái bố trí khoảng 1.000 quân ở châu Âu. Khoảng 800 lính Mỹ từ Italia, cùng 20 trực thăng Apache từ Đức, đang di chuyển đến vùng Baltic, trong khi 12 chiếc Apache khác sẽ đến Ba Lan từ Hy Lạp. 8 tiêm kích tấn công F-35 cũng đang hướng tới các nước Lithuania, Estonia và Romania từ Đức.
Ngoài ra, hàng nghìn lính Mỹ từ các Sư đoàn Dù 82, 101 và Quân đoàn Dù 18 được điều động đến Ba Lan trong tháng này, để hỗ trợ các lực lượng Ba Lan thiết lập những trung tâm tiếp nhận người di tản từ Ukraina, trong đó có cả các công dân Mỹ.
Ở Jasionka (Ba Lan), một nhà thi đấu đã được trưng dụng và trang bị thêm giường tầng và đồ dùng cho tối đa 500 người. Tại Áo, Thủ tướng Karl Nehammer hôm 24/2 cho biết ông đã sẵn sàng tiếp nhận người di tản từ Ukraina. Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cũng đang tài trợ cho các tổ chức cứu trợ để cung cấp thức ăn, nước uống, nơi ở và chăm sóc sức khỏe khẩn cấp cho những người sơ tán từ vùng giao tranh.
Trong những ngày tới, Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) sẽ đánh giá loại hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraina. Nếu xung đột lan rộng, cơ quan này có thể bí mật cung cấp thông tin tình báo và vũ khí.
"Chúng ta cần hỗ trợ chống lại các hành vi tấn công và chiếm đóng bằng mọi cách có thể", Mick Mulroy, cựu sĩ quan CIA và quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho biết. "Các hoạt động đặc biệt và tài sản tình báo, với nền tảng kiến thức sâu rộng của chúng tôi trong hơn 20 năm chinh chiến, có thể được đưa vào áp dụng ngay lập tức”.
Lính Mỹ giúp chuẩn bị trung tâm hỗ trợ người di tản từ Ukraina ở Ba Lan. Ảnh: AP |
Các lệnh trừng phạt 'ngặt nghèo' hơn
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 đã thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới, nhắm vào nhiều tổ chức kinh tế, tài chính của Nga và các cá nhân có quan hệ mật thiết với Moscow, do các chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất nắm giữ gần 1/3 tổng khối tài sản trong khu vực ngân hàng của Nga, cùng 25 đơn vị trực thuộc, sẽ bị cấm cửa hoàn toàn trong hệ thống tài chính Mỹ. Bên cạnh đó, VTB Bank, ngân hàng lớn thứ hai của Nga, cùng 20 đơn vị trực thuộc và 3 ngân hàng lớn khác gồm Otkritie, Sovcombank OJSC cùng Novikombank, cũng bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt.
Washington cũng áp lệnh cấm 13 công ty nhà nước của Nga tiếp cận gọi vốn ở thị trường Mỹ, trong đó có 5 ngân hàng cùng nhiều doanh nghiệp lớn như Gazprom (dầu khí), Rostelecom (viễn thông) và tập đoàn đường sắt Nga. Một loạt tỷ phú và cá nhân có quan hệ với Moscow cũng bị đưa vào tầm ngắm. Ngoài ra, Mỹ còn áp đặt một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với quân đội Nga và cấm xuất khẩu một số công nghệ vào Nga.
Belarus cũng có 24 cá nhân và công ty thuộc diện trừng phạt, trong đó có 2 ngân hàng quốc doanh quan trọng, 9 doanh nghiệp quốc phòng và 7 quan chức, cá nhân có quan hệ mật thiết với chính phủ.
Trước đó, Mỹ ngày 22/2 đã công bố đợt trừng phạt đầu tiên nhắm vào giới tinh hoa Nga, ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank, trong đó loại họ khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ, cấm giao dịch với người Mỹ và đóng băng tài sản của họ tại Mỹ. Tổng thống Biden cũng áp lệnh trừng phạt lên nợ chính phủ của Nga, đồng nghĩa với việc giới chức Moscow không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây.
Giới chức châu Âu cũng công bố các lệnh trừng phạt tương tự Mỹ. Tuy nhiên, họ tỏ ra cảnh giác hơn với những quyết định trừng phạt quá ngặt nghèo, do vẫn còn quan hệ thương mại mạnh mẽ với Nga.
Liên minh châu Âu (EU) trước đó đã đưa hàng trăm nhân vật cấp cao của Nga, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, vào danh sách trừng phạt vì các động thái gây áp lực đối với Ukraina. Những cá nhân kể trên sẽ bị cấm vào các nước thuộc EU, đồng thời bị đóng băng tài sản ở nước ngoài.
‘Hỗn loạn’ trong ngoại giao
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tuần trước. Ảnh: AP |
Bộ Ngoại giao Mỹ đã di chuyển nhân sự của mình từ Ukraina đến Ba Lan, trong khi một số nhà ngoại giao tiếp tục hỗ trợ chính phủ ở Kiev và cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho các công dân Mỹ muốn rời Ukraina. Nhiều quốc gia khác cũng đã sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Ukraina do căng thẳng tăng nhiệt.
Theo thời báo New York, một câu hỏi lớn hơn đối với phần còn lại của thế giới là liệu các chiến dịch quân sự từ Nga có phá vỡ các hệ thống quốc tế mà Moscow là một trong những bên đóng góp hay không.
“Các sự kiện vừa qua là một bước ngoặt trong lịch sử của châu Âu và của chính đất nước chúng ta”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu vào sáng 24/2. "Chúng sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc và lâu dài cho cuộc sống của chúng ta".
Các nhà ngoại giao đại diện cho nhóm các nước G7, NATO, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu được cho là đã nhóm họp để vạch ra các bước đi tiếp theo.
Tại Hội đồng Bảo an, Mỹ kêu gọi các nước khác tham gia một nghị quyết lên án hành động của Nga và bảo vệ chủ quyền của Ukraina. Nỗ lực này, dự kiến được đưa ra bỏ phiếu trong hôm (25/2), cũng kêu gọi viện trợ nhân đạo đối với người di tản và tiếp cận các nhân viên cứu trợ ở Ukraina. Dù vậy, nghị quyết vẫn có thể không được thông qua nếu vấp phải sự phủ quyết từ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể tới châu Âu vào tuần tới để gặp các đồng minh, và đảm bảo duy trì một mặt trận thống nhất để ứng phó với Nga. Ông Blinken trước đó đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, vốn được lên lịch vào ngày 24/2 tại Geneva (Thụy Sĩ), vì cho rằng điều này không còn hiệu quả.
Đêm ngày 23/2, ngay cả khi dự đoán xung đột có thể xảy ra, ông Blinken vẫn đưa ra lời kêu gọi vào phút chót để thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin đi theo con đường ngoại giao.
"Chúng tôi đã nói trong suốt cuộc khủng hoảng rằng chúng tôi luôn chuẩn bị cho con đường này. Chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn khủng hoảng bằng ngoại giao và thông qua đối thoại. Chúng tôi vẫn chuẩn bị nếu Nga chọn giải pháp quân sự", ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Nhưng không rõ liệu cánh cửa ngoại giao này đã đóng lại hay chưa, khi giao tranh giữa hai nước đã thật sự nổ ra.