CNN cho biết 5 ngày biểu tình vừa qua là thách thức chính trị lớn nhất mà chính quyền Iran phải đối mặt trong gần một thập niên qua, kể từ Phong trào Xanh vào năm 2009.
Do báo chí ở Iran bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, hình ảnh về cuộc biểu tình chủ yếu được truyền ra ngoài thông qua các "nhà báo công dân". Những đoạn video lan truyền trên Internet cho thấy cảnh người biểu tình chạy trốn hơi cay và vòi rồng của cảnh sát trong khi một số người khác đụng độ lực lượng này.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết ít nhất 10 người đã chết trong cuộc biểu tình ở Iran vào đêm giao thừa năm mới 2018. Các tờ báo phương Tây ước tính ít nhất 20 người đã thiệt mạng. Tổng thống Hassan Rouhani cố gắng xoa dịu căng thẳng, nói rằng "sự việc chưa có gì cả" và khẳng định quyền của người dân được chỉ trích chính phủ và biểu tình. Trong khi đó, lãnh đạo tối cao Ali Khamenei tuyên bố đây là hành động gây bất ổn do các "kẻ thù" của Iran đứng sau thao túng.
Một người phụ nữ giữa làn hơi cay trong cuộc biểu tình tại Đại học Tehran hôm 31/12. |
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của cuộc biểu tình lần này phức tạp hơn nhiều.
Vấn đề "gốc Iran, ngọn phương Tây"
Trước hết, những người dân ra đường là vì bất mãn trước nền kinh tế lên xuống thất thường, tình trạng tham nhũng trong khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng. BBC cho biết người biểu tình đã chất vấn vì sao chính phủ chi tiêu nhiều tiền cho các cuộc xung đột ở Trung Đông trong khi người dân trong nước lại đang "khốn khổ".
Các chuyên gia cũng cho rằng người Iran đã kỳ vọng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với 6 nước và các lệnh trừng phạt được tháo dỡ. Dù vậy, trong khi các rào cản về tài chính, năng lượng và vận tải đã được tháo dỡ, hàng trăm tài sản của Iran vẫn bị phong tỏa. Mỹ cũng áp dặt thêm lệnh trừng phạt với Iran sau một số vi phạm như vụ phóng tên lửa vào mùa hè năm 2017.
Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mỹ - Iran, và các chuyên gia nói rằng việc điều hành kinh tế yếu kém cùng nạn tham nhũng đã làm nhiều người dân nước này "vỡ mộng". Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều cao trong khi vốn đầu tư nước ngoài chảy vào vẫn còn yếu.
"Thỏa thuận hạt nhân được công chúng Iran ủng hộ nhiệt liệt, nhưng có một kỳ vọng rằng những sự phát triển kinh tế rõ rệt hơn sẽ đến theo cùng nó", ông Parsi nói.
Một cuộc điều tra gần đây của BBC cho thấy nếu tính trung bình, người Iran dã nghèo đi 15% trong thập niên qua. Số tiền chi tiêu vào bánh mì, sữa và thịt đỏ đã giảm từ 30-50%. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là 12,4% nhưng con số ở một vài khu vực lên đến 60%. Lớp người trẻ bị ảnh hưởng nặng nề.
Hai năm sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, kinh tế Iran không khởi sắc như kỳ vọng của người dân. |
"Tôi không nghĩ chúng ta có thể tách bạch kinh tế và chính trị", Reza Marashi, Giám đốc Nghiên cứu tại Hội đồng Quốc gia Mỹ - Iran, nhận định. Ông nói rằng gốc rễ của cuộc biểu tình hiện tại là nhiều năm bất mãn về chính trị, kinh tế lẫn xã hội trong người dân.
"Các lệnh trừng phạt kinh tế đã làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế có gốc rễ từ trong nước", ông nói.
Alireza Nader, một nhà phân tích quốc tế và là chuyên gia về Iran tại Viện nghiên cứu RAND ở Washington D.C., nói rằng người dân đã mất lòng tin vào Tổng thống Hassan Rouhani.
"Chính phủ bị chỉ trích tham nhũng trầm trọng, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng được coi là một dạng của bất công", ông nói. "Họ đáng ra phải là một chế độ sẽ mang lại công bằng cho mọi người sau cuộc cách mạng năm 1979 nhưng họ đã thất bại", ông nói.
Trong khi đó, Karim Sadjadpour, một nhà nghiên cứu tại Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói rằng cuộc biểu tình lần này còn là một phong trào nữ quyền. Ông Nader cũng cho biết phụ nữ Iran đã đấu tranh để giành quyền bình đẳng trong nhiều thập kỷ và sức ép này ngày càng lớn trong vài năm qua.
"Phụ nữ Iran là những người có học. Họ tham gia vào lực lượng lao động, có thể nói là nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác tại Trung Đông nhưng họ vẫn bị áp bức", ông nói.
Dù vậy, CNN vẫn cho rằng cuộc biểu tình lần này không lớn như cuộc Phong trào Xanh của năm 2009, khi hàng triệu người đã xuống đường. Marashi nói rằng những diễn biến mới giống với một phong trào đòi quyền dân sự hơn là một cuộc cách mạng.
Quyền lực không thể bị thách thức
Trong khi cuộc biểu tình năm 2009 chủ yếu xảy ra ở Tehran, cuộc biểu tình lần này diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp nước, bao gồm cả những khu vực vốn là "căn cứ" của chính phủ.
Ngoài ra, cuộc biểu tình hiện tại cũng bao gồm cả sự thách thức đối với quyền lực của lãnh đạo tối cao Iran. "Đó là điều không xảy ra vào năm 2009. Đây là một điều to lớn ở Iran", Nic Robertson, biên tập viên ngoại giao quốc tế của CNN, nhận định. "Người ta không nói về chuyện đó công khai trên đường phố".
Tổng thống Hassan Rouhani trong một bài phát biểu với phông nền bên trái là lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, bên phải là nhà sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini. |
Trong bài viết đăng trên Al Jazeera, Ahmad Sadri, Giáo sư về Xã hội học và là Chủ tịch ngành nghiên cứu Hồi giáo tại Lake Forest College (Mỹ), nói rằng gốc rễ sâu xa của vấn đề là bản chất chuyên chế của chính quyền Iran.
"Ẩn sâu bên trong hệ thống chuyên chế này là một trái tim dân chủ nhỏ bé với nghị viện và tổng thống được bầu ra, nó thoi thóp đập và chống đỡ lại bộ khung xương cứng rắn và đầy tính thần quyền bên ngoài", ông miêu tả.
Theo ông, các thể chế dân chủ của Iran đã không thể hoàn thành nhiệm vụ vì hiến pháp nước này trong đến 3/4 quyền lực chính trị cho lãnh đạo tối cao: một người lãnh đạo tôn giáo không qua bầu cử, được chỉ định vĩnh viễn và nắm giữ quyền lực to lớn, bao gồm cả quyền chỉ huy lực lượng vũ trang, quyền quyết định chính sách đối ngoại, quyền phủ quyết các đề xuất của tổng thống và quốc hội...
Trong khi đó, tổng thống và nghị viện, các thiết chế được bầu lên dân chủ, không có bất kỳ quyền lực kiểm soát nào đối với lãnh đạo tối cao.
Bài học còn đó từ Syria
Nhà phân tích người Mỹ gốc Iran Holly Dagres nói rằng điều tốt nhất thế giới có thể làm là chờ xem điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Phong trào Xanh năm 2009 đã kéo dài nhiều tháng trong khi cuộc biểu tình hiện tại chỉ mới nổ ra 5 ngày và không rõ chính phủ Iran sẽ "chịu đựng" trong bao lâu.
"Việc chúng ta cứ nói những điều mà chúng ta cho rằng tốt cho người Iran thật ra lại đang hại họ hơn bất cứ điều gì khác", bà nói.
"Vào năm 1979, người Iran đã trải qua một cuộc cách mạng mà không có dân chủ. Ngày nay họ cố vươn đến dân chủ mà không phải viện đến một cuộc cách mạng", chuyên gia Sadjadpour nhận định. Ông nói rằng ông tin tưởng vào một xã hội của những người trẻ ở Iran, nơi các thanh niên tìm kiếm một quốc gia tiến bộ và tự do nhưng không chấp nhận sử dụng vũ lực.
Syria và Ai Cập có thể là một bài học nhãn tiền.
"Dù rất nhiều người Iran cuối cùng sẽ chọn phương thức cách mạng, tôi cho rằng họ không sẵn lòng theo đuổi các cách thức này ở quy mô lớn như tại Syria và Ai Cập hoặc bất cứ nơi nào khác đã chọn trong 5 năm qua tại Trung Đông", ông nhận định.
Người cầm cờ tập trung trước Đại sứ quán Iran ở London (Anh) hôm 2/1 để bày tỏ sự ủng hộ với những người Iran đang biểu tình trong nước. |
Điều hiếm hoi các chuyên gia các thể đồng thuận với nhau là những "tweet" của Tổng thống Trump không ích gì cho tình hình. Ông liên tục chỉ trích chính quyền Iran và tuyên bố "thế giới đang dõi theo".
Phương Tây là một phần của vấn đề
Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia về Iran giấu tên cho biết tình hình đang đi vào ổn định.
"Chuyện người dân ko bằng lòng với thực tế là có, và chính phủ cũng không phủ nhận. Chính phủ thừa nhận điều này là nước cờ cao tay, chứ không phủ nhận, không đàn áp như ở nhiều nơi khác", ông nói.
Việc kinh tế có những khó khăn là do cả khách quan và chủ quan, theo ông. Về khách quan, phương Tây, nhất là Mỹ, là một phần của vấn đề.
"Ký thỏa thuận xong. Iran thực hiện thỏa thuận nhưng Mỹ không thực hiện. Việc tiếp tục không cho ngân hàng làm việc với Iran trên thực tế là vi phạm cam kết bỏ cấm vận, giống như khi Mỹ ký hiệp định Paris cam kết bối thường chiến tranh cho Việt Nam, sau đấy lại viện lý do quốc hội không chấp thuận để chối bỏ cam kết này. Việc tiếp tục cấm vận làm cho nền kinh tế Iran gặp khó khăn và người dân không hài lòng với những kỳ vọng sau khi ký thỏa thuận hạt nhân là thực tế khách quan".
"Việc Tổng thống Rouhani nhấn mạnh biểu tình không phải là mối hiểm nguy mà là cơ hội. Đấy là cách nhìn xây dựng. Không đàn áp mà tìm cách giải quyết", chuyên gia này cho biết.