Thông tin về sự việc gia đình bà Đặng Thị Thúy Quỳnh (56 tuổi – vợ của ông Tạ Văn Hiếu, ở số 23 Hàng Cân (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) không xây dựng nhà nhưng vẫn bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý hành vi vi phạm hành chính vẫn đang làm “nóng” dư luận.
Trước đó, nhà cũng bị cơ quan chức năng lập biên bản xây dựng các hạng mục nhưng theo ghi nhận của PV Kiến Thức, tại khoảng không gian giữa nhà 23 Hàng Cân và 28 Hàng Ngang chỉ thấy toàn bộ các hạng mục như; nhà vệ sinh, đường điện, đường nước, mái lợp sắt… của nhà 28 Hàng Ngang. Hơn nữa, gia đình bà Quỳnh cho hay, trong lúc thi công các hạng mục nhà 28 Hàng Ngang, công nhân còn làm hỏng cửa sổ nhà bà. Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm có đến nhà số 28 Hàng Ngang đình chỉ công trình vi phạm đang nói.
Thế nhưng, điều vô lý là suốt một thời gian dài các cơ quan chức năng chỉ tập trung xử lý mái che cửa sổ, cục nóng điều hòa nhà 23 Hàng Cân? Gia đình bà đang nghi ngờ liệu cơ quan chức năng có đang dung túng cho hành vi sai phạm của nhà 28 Hàng Ngang?
Clip: Chủ nhà số 28 Hàng Ngang vẫn cho công nhân xây dựng các hạng mục sau khi các lực lượng chức năng đến lập biên bản vi phạm rời đi được khoảng một tiếng.
Gia chủ sắp bị cưỡng chế… cục nóng điều hòa
Liên quan đến sự việc, ngày 21/10, gia đình bà Đặng Thị Thúy Quỳnh, ông Tạ Văn Hiếu tiếp tục cho PV Kiến Thức biết, UBND phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) gửi giấy mời gia đình lên phường giải quyết vụ việc. Đến ngày 19/10, UBND quận Hoàn Kiếm bất ngờ ban hành quyết định số 3881/QĐ- CCXP về việc “Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” do ông Dương Đức Tuấn – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký.
Toàn bộ hàng rào chắn sắt bị dỡ bỏ, nhà 28 Hàng Ngang thi công các hạng mục như đường nước, điện, lắp ráp khung sắt làm hư hỏng cửa nhà bà Quỳnh. Trước kia điều hòa của nhà bà Quỳnh được lắp tại vị trí tường của gia đình bà. |
Bà Hương cho biết, trong quá trình nhà 28 Hàng Ngang thi công hạng mục, lắp đặt khung thép tại không gian giếng trời có người tới nói được UBND phường Hàng Đào cử đến, sau đó họ di chuyển cục nóng điều hòa nhà 23 Hàng Cân lên mái chắn mà nhà 28 Hàng Ngang đã dựng. |
Theo đó, một trong những nội dung quyết định yêu cầu, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tại: Điểm a khoản 5 điều 55 nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ: Hậu quả hành vi vi phạm hành chính gây ra cần khắc phục là lấn chiếm không gian xung quanh nhà, cụ thể: Lắp đặt cục nóng điều hòa trên phần giàn sắt thuộc không gian diện tích nhà 28 Hàng Ngang: Bà Hương (Tạ Ngọc Hương - em chồng bà Quỳnh, cùng sống trong nhà số 23 Hàng Cân), ông Hiếu phải tự giác tháo bỏ cục nóng điều hòa trên phần giàn sắt thuộc không gian diện tích của nhà 28 Hàng Ngang. Mọi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do bà Hương và ông Hiếu chi trả. Thời gian thực hiện là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định (ngày 19/10).
Quyết định cưỡng chế cục nóng điều hòa nhà 23 Hàng Cân của UBND quận Hoàn Kiếm. |
Bằng mọi cách “chiếm hết diện tích chung” (?)
Trong quá trình trao đổi thông tin với PV Kiến Thức, bà Tạ Ngọc Hương (em chồng bà Quỳnh, cùng sống trong nhà số 23 Hàng Cân) khẳng định: Từ 1954 bố đẻ của bà là ông Tạ Văn Phồn trước kia vốn sống ở số nhà 48 Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhưng đến năm 1960, nhà 48 Bà Triệu được Nhà nước đưa vào “công tư hợp doanh”, sau đó bố mẹ bà Hương “hiến” tầng một cho Nhà nước giao cho Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội (Nay là Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội). Đến năm 1965, để tiện cho phân xưởng sản xuất tại số 48 Bà triệu Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội đề nghị bố mẹ bà Hương chuyển về ở tại gác 2 số nhà 23 Hàng Cân. Tuy nhiên, sau đó bố mẹ bà Hương làm đơn “đòi” lại nhà số 48 Bà Triệu nhưng mãi không được. Cuối cùng họ đành phải quay trở lại ở 3 phòng tầng 2 và thêm 2 phòng tầng 1 tại số 23 Hàng Cân.
Bà Hương cũng hay, trong suốt thời gian sinh sống tại nhà số 23 Hàng Cân gia đình hoàn toàn không xây dựng, sửa chữa bất kỳ hạng mục nào. Bà Hương cho biết: “Trước đây, giữa nhà tôi và nhà số 28 Hàng Ngang có phần diện tích giếng trời chung, hàng chắn song sắt để đảm bảo an ninh giữa hai nhà. Phần mái che cửa sổ của nhà chúng tôi cũng có từ trước. Đến năm 2016, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội bất ngờ đổ mái trần, rồi sau đó lắp khung sắt, lợp mái, lắp hệ thống điện, nước, camera, xây nhà vệ sinh và phá dỡ hàng chấn song sắt trên phần diện tích giếng trời chung. Trong quá trình thi công họ còn làm hỏng tường, bị kín cửa sổ nhà chúng tôi không mở được dẫn đến hư hỏng. Chúng tôi không lấn chiếm, không xây dựng, thay đổi kết cấu nhà”.
Nói đến cục nóng điều hòa, thì cả ông Hiếu, bà Quỳnh, bà Hương đều khẳng định với PV Kiến Thức rằng, trước đó gia đình lắp ở tường gần cửa sổ, nhưng khi nhà 28 Hàng Ngang xây dựng thì có người tới nói được UBND phường Hàng Đào cử đến rồi họ di chuyển cục nóng điều hòa lên mái chắn mà nhà 28 Hàng Ngang đã dựng. “Giờ họ quay sang bảo cục nóng điều hòa chúng tôi chiếm diện tích nhà 28 Hàng Ngang, trong khi diện tích đó là chung, nhà 28 Hàng Ngang đang bằng mọi cách để chiếm lấy. Họ làm như vậy, khác gì đang bẫy chúng tôi”, ông Hiếu bức xúc nói.
Liên quan đến sự việc, trước đó, tháng 9/2017, Kiến Thức đã đến Văn phòng đại diện của Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội đặt lịch làm việc nhằm tìm hiểu các thông tin khách quan, đa chiều. Tuy nhiên, đến nay phía Công ty này không có bất kỳ hồi âm nào. Đến chiều ngày 11/9, PV Kiến Thức đã liên hệ và có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) - ông Long cho hay, vụ việc đang nằm trong thẩm quyền của UBND phường Hàng Đào. Sẽ giao cho các bộ phận tổng hợp ngay các tài liệu, kết quả của quận và thông tin lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã hơn 1 tháng, nhưng phía UBND quận Hoàn Kiếm cũng không có bất kỳ phản hồi nào tới báo điện tử Kiến Thức.
Sáng ngày 7/9, ông Nguyễn Hùng Sơn - Chủ tịch UBND phường Hàng Đào – cho biết: “Tình trạng tranh chấp giữa nhà 28 Hàng Ngang và 23 Hàng Cân đã diễn ra nhiều năm.
Theo tài liệu mà ông Sơn cung cấp cho PV Kiến Thức, năm 1985, Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm (Nay là Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hoàn Kiếm) ký hợp đồng thuê nhà (trong đó có nhà số 28 Hàng Ngang và 23 Hàng Cân) cho Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội (Nay là Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội) thuê hợp đồng số 515 ngày 18/9/1985, với diện tích 3 phòng 62m2 – Nhà 23 Hàng Cân.
Theo ông Sơn, UBND phường Hàng Đào đã nhiều lần nhận đơn tố cáo của Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội về việc ngôi nhà số 23 Hàng Cân lấn chiếm diện tích. Đặc biệt, ngày 29/3/2016, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm đã có văn bản thông báo thi công sửa chữa nhà 28 Hàng Ngang. Trong quá trình sửa chữa có tranh chấp khiếu kiện giữa Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội với gia đình số 23 Hàng Cân. Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội kiến nghị giải quyết việc hộ dân 23 Hàng Cân nhiều lần gây cản trở đơn vị sửa chữa nhà số 28 Hàng Ngang; tự ý sang phần diện tích đất của công ty đập phá gây mất an ninh trật tự, phá hoại tài sản của công ty…
“UBND phường Hàng Đào đã có đề xuất lên UBND quận Hoàn Kiếm, TTXD quận Hoàn Kiếm, xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với việc lắp đặt mái che cửa sổ, cục điều hòa của hộ bà Tạ Ngọc Hương và bà Đặng Thúy Quỳnh tại 23 Hàng Cân. Do vi phạm đã tồn tại từ lâu, vì vậy không áp dụng hình thức phạt tiền nhưng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”, ông Sơn thông tin.
Bà Đặng Thị Thúy Quỳnh và bà Tạ Ngọc khẳng định, thông tin mà ông Nguyễn Hùng Sơn - Chủ tịch UBND phường Hàng Đào cung cấp cho báo chí, hoàn toàn không khách quan.