Riêng ca khúc Quốc ca, do đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhà nước, nên đương nhiên không cần phải có đơn vị nào cấp phép.
Theo đó, trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao.
Tuy nhiên, sự thật bất ngờ và khó tin ở chỗ, có tới 7 ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng lại xuất hiện trong bảng danh mục trên với tư cách tác phẩm của… một người khác – nhạc sĩ Văn Chung.
Trên trang web của Cục NTBD, 7 sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao trước năm 1975 (số thứ tự từ 1 đến 7) đều bị ghi là tác phẩm của... nhạc sĩ Văn Chung! |
Cụ thể đó là các ca khúc: Buồn tàn thu, Chiều buồn trên bến Bạch Đằng, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi. Cả 7 ca khúc này được chú thích là “Quyết định cấp phép theo thông báo số 01, ngày 15/10/1989”, tên tác giả là nhạc sĩ Văn Chung, trong khi trên thực tế đó đều là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao.
Chưa kể, ca khúc “Chiều buồn trên bến Bạch Đằng” còn bị ghi sai morat thành “Chiều buồn trên bến Bặch Đằng” (?!)
Nếu chiểu theo bản danh mục các ca khúc sáng tác trước năm 1975 được Cục NTBD cấp phép và công khai trên website của Cục thì rõ ràng, nhạc sĩ Văn Cao chưa có sáng tác nào được phép lưu hành và phổ biến rộng rãi (!?).
Trên website của Bộ VHTTDL, 7 ca khúc sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến mà bài viết nhắc đến đều ghi đúng tên tác giả là của nhạc sĩ Văn Cao. |
Trong khi đó, trên website chính thức của Bộ VHTT&DL, tại danh mục “Các bài hát, bản nhạc sáng tác trước năm 1975 của tác giả phía Nam và của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác được phép phổ biến”, cả 7 ca khúc kể trên đều có tên trong danh sách và được ghi đúng tên tác giả là nhạc sĩ Văn Cao.
Ngoài ra, trong danh mục này của Bộ VHTT&DL còn có bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ Văn Cao được cấp phép phổ biến, trong khi ca khúc này không có tên trong danh sách sáng tác trước năm 1975 được Cục NTBD cấp phép (kể cả đã cấp phép nhưng... ghi nhầm, ghi sai tên tác giả).
Sự "vênh nhau" trong danh mục các ca khúc sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến giữa Cục NTBD và Bộ VHTT&DL được cho là điều vô cùng khó hiểu!
"Trường ca sông Lô" chưa có tên trong danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được Cục NTBD cấp phép phổ biến. |
Điều đáng nói còn ở chỗ, nếu nhìn vào danh mục các ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước năm 1975 được cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền cấp phép phổ biến thì hai tác phẩm bất hủ của vị nhạc sĩ tài ba này là “Tiến về Hà Nội” và “Trường ca sông Lô” cũng chưa được cấp phép lưu hành và phổ biến rộng rãi. Đây đều là hai tác phẩm có giá trị về cả mặt âm nhạc lẫn lịch sử.
Trong đó, “Trường ca sông Lô” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1947 còn được giới chuyên môn đánh giá là đỉnh cao của nhạc kháng chiến nói riêng và của nền tân nhạc Việt Nam nói chung, đưa ông lên vị trí “cha đẻ” của hùng ca và trường ca Việt Nam.
Riêng ca khúc “Quốc ca” đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao quyết định hiến tặng lại cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam nên không trong danh mục các ca khúc cần phải cấp phép từ Cục NTBD mới có thể lưu hành và phổ biến. Bản hiến tặng ca khúc này đã được đại diện gia đình ông trao lại cho Quốc hội vào ngày 15-7-2016.