Suất đầu tư ngầm có giá “trên trời”
Tháng 11/2021, Hà Nội đưa vào khai thác đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông dài 13,5km, tổng đầu tư dự án hơn 900 triệu USD, trung bình 68,5 triệu USD/1km.
Thành phố đang thực hiện ĐSĐT tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến sớm đưa vào khai thác đoạn đi trên cao Nhổn - Cầu Giấy (trên đường Kim Mã) dài 8,5km. Đường trên cao từ Nhổn về Kim Mã có 318 nhịp và 3 cầu vượt sông Nhuệ, vượt VĐ2 và VĐ3). Gói thầu xây lắp có giá 64,8 triệu euro (1.872 tỷ đồng) cho 8,5km.
Suất đầu tư/km các loại hình giao thông công cộng trong "Hướng dẫn lập kế hoạch phát triển ĐSĐT – World Bank 2018 “ĐSĐT ngầm chỉ triển khai khi > 20.000 người/ giờ mỗi chiều; Chi phí xây lắp và tổng mức các dự án ĐSĐT Hà Nội đã thực hiện, đang dự kiến và do City Solution đề xuất trong giải pháp “HanoiLink” |
Đoạn tiếp theo dài 4km đi ngầm về trước cửa ga Hà Nội, có giá duyệt 9.669 tỷ đồng. Trung bình 2.417 tỷ đồng/km (100 triệu USD/1km) - đắt hơn 10 lần đi trên cao.
Được biết gói thầu này bỏ giá 6.500 tỷ đồng, rẻ hơn 3.170 tỷ đồng, nhưng nhà thầu đã dừng thi công với lý do chậm giao mặt bằng và đòi bồi thường hơn 2.500 tỷ đồng, vậy đắt rẻ còn chưa rõ. Hà Nội dự kiến vay nước ngoài để đầu tư ĐSĐT ngầm 8,3km nối tiếp từ ga Hà Nội tới Hoàng Mai và nổi 0,5km tại ga cuối, tổng mức đầu tư 1,72 tỷ USD. Trung bình 200 triệu USD/km, đắt gấp 20 lần chi phí xây đường trên cao.
Năm 2018, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố “Hướng dẫn lập kế hoạch phát triển ĐSĐT-WB”, trong đó khuyến cáo các thành phố thiếu tiền bạc, kinh nghiệm và năng lực quản trị cần cân nhắc nhiều mặt để chọn phương án ĐSĐT ngầm.
Hà Nội mới khởi động 4km ngầm đầu tiên đã gặp trắc trở, nay lại đề xuất nối tiếp ĐSĐT ngầm dài gấp đôi, với hướng tuyến không phù hợp: từ Ô Đông Mác tới Hoàng Mai, ĐSĐT đi ngầm bên dưới sông Kim Ngưu dẫn nước thải về trạm bơm Yên Sở, qua vùng không có di sản kiến trúc cảnh quan có giá trị cần bảo tồn hay hấp lực thương mại đặc biệt. Thuyết minh Dự án cũng dự báo lượng khách thấp hơn mức tối thiểu cần thiết đầu tư.
Câu hỏi đặt ra là chi hơn 1 tỷ USD cho 6km ngầm này sẽ mang lại những gì cho lợi ích công cộng?
Định hướng phát triển không gian ngầm cho 10 năm hay 100 năm?
Năm 2016, phê duyệt Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu xây dựng 8 tuyến ĐSĐT, dài 460km. Tới 2020 hoàn thành 194km chạy trên 5 tuyến.
Tháng 11/2021, Hà Nội mới xây xong 22km ĐSĐT trên cao, trong đó có 13,5km đưa vào vận hành (đạt 7%). Tính gộp cả phần dở dang thì sau 10 năm triển khai ĐSĐT mới đạt khoảng 10%. Với tiến độ này, Hà Nội cần khoảng 100 năm nữa mới hoàn thành mục tiêu đã đặt ra cho năm 2020 .
Hà Nội đang đề xuất Quy hoạch không gian ngầm trung tâm Hà Nội gắn với 5 tuyến ĐSĐT chưa hình thành; các vị trí ngầm khác phân tán phi cấu trúc. Đáng chú ý trong bản Quy hoạch này định vị cầu ngầm cuối phố Trần Hưng Đạo. |
City Solution đề xuất hành lang ngầm liên kết mạnh mẽ theo tuyến và diện, tăng cường kết nối ngầm với nổi và trên cao từ các tuyến ĐSĐT hiện có.
Quy hoạch không gian ngầm trung tâm Hà Nội theo nhiệm vụ đã duyệt là phải gắn với 5 tuyến ĐSĐT với 22 ga trong phạm vi 4 quận. Câu hỏi đặt ra là Hà Nội sẽ phát triển không gian ngầm như thế nào khi không biết đến bao giờ mới hoàn thành gần 40km ĐSĐT ngầm và hơn 150km nổi, trên cao của 5 tuyến theo quy hoạch?
Các thành phố lớn của Nhật Bản xây dựng đường giao thông ngầm lớn hơn trên mặt đất trong 70 năm gần đây (1950-2020) đã tổng hợp kinh nghiệm phát triển công trình ngầm dựa vào các mục tiêu: Làm đẹp thành phố bằng các công trình ngầm không nhất thiết phải có trên mặt đất: hạ tầng kỹ thuật, thông tin, năng lượng và vận chuyển chất thải; Do đất quá chật chội và đắt đỏ, khó khăn về vị trí trên mặt đất: hệ thống giao thông, các bãi đỗ xe, nhà kho, nhà máy, trạm biến áp, ga tàu điện ngầm..; Không gian ngầm để phòng thủ, chống thiên tai hay khí hậu khắc nghiệt (quá lạnh).
Không gian ngầm trung tâm Hà Nội do City Solution đề xuất trong giải pháp tổng thể “Kết nối Hà Nội –HanoiLink" theo Luật Quy hoạch 2017: tích hợp đa ngành, đa mục tiêu. Đổi hướng tuyến ĐSĐT từ Hoàng Mai sang Gia Lâm để tối đa hóa năng lực vận chuyển hành khách và tối ưu hóa đầu tư |
Vốn đầu tư không gian ngầm, có tự cân đối?
Đối chiếu với Hà Nội thì các công trình ngầm chi phí lớn chỉ nên tập trung trong phạm vi khu phố cổ và cũ rộng 10km2, tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và một phần Hai Bà Trưng, Đống Đa (nội thành có trước 1954).
Tài liệu do Hiệp hội kỹ sư công trình ngầm Nhật Bản tổng hợp và Hướng dẫn của WB đã chỉ ra phương pháp hạ giá thành đầu tư công trình ngầm bằng cách tăng cường kết nối các công trình ngầm với nhau, sử dụng đa mục đích, mang lại nhiều lợi ích để thu hút nhiều nhà đầu tư.
Tùy theo bối cảnh mà chọn phương pháp đào ngầm tối ưu, hạ giá thành: ví dụ như phương pháp đào mở sẽ an toàn, chi phí rẻ và tạo nhiều không gian hữu dụng hơn phương pháp đào moi bằng máy TBM. Đào mở tại Hà Nội còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa tham gia, trong khi đào máy TBM số lượng ít sẽ vô cùng đắt đỏ do nhập khẩu toàn bộ từ thiết bị lẫn nhân công.
Trong 5 năm tới (2021-2025), Hà Nội dự kiến vận hành trước 8,5km trên cao của tuyến ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy (trên đường Kim Mã) sau đó nối tiếp 4km ngầm về ga Hà Nội.
Thành phố dự định tiếp quản 35km đường sắt cũ kỹ, 4 nhà ga vắng lạnh để hoán cải thành ĐSĐT, đồng thời tìm giải pháp mới cho 25km ĐSĐT từ Nam Thăng Long chạy xuyên qua trung tâm TP - bài toán cực khó với muôn vàn ẩn số nếu làm riêng rẽ (Hình1).
City Solution đề xuất giải pháp tích hợp, liên kết “HanoiLink” để hóa giải vốn đầu tư xây lắp mới, hoán cải và kết nối cũ mới của 100km ĐSĐT; Làm ngầm tuyến Trần Hưng Đạo; Gia cường phục chế cầu Long Biên… bằng cách khởi động “Hành lang ngầm Kim Mã - Trần Hưng Đạo”; kết nối vòng Kim Mã - Nam Thăng Long - Thượng Đình và Kết nối xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi có tổng đầu tư 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,72 tỷ USD (đầu tư tuyến ngầm ga Hà Nội - Hoàng Mai).
“HanoiLink” tạo ra 3 điều khác biệt: Tổng hiệu suất phục vụ hành khách x km tăng gấp 2 - 300 lần; Tổng đầu tư tự cân đối: chỉ cần bán đi 40 - 50 nghìn chỗ đỗ ô tô ngầm nổi nội đô là thu đủ tiền xây lắp.
Toàn dự án ưu tiên huy động nội lực, chủ động vốn đầu tư mà không phải phụ thuộc vốn vay, mang lại vô số lợi ích công/tư - cơ hội làm giàu cho toàn xã hội.