Xavier Chan (40 tuổi, người Trung Quốc) niềm nở đón tiếp phóng viên với đôi mắt cười và nửa khuôn mặt bị che kín bởi chiếc khẩu trang. Chan từ chối bắt tay bởi “mùa dịch không phải lúc cho những động chạm xã giao kiểu này” và lịch sự đề xuất vừa nói chuyện vừa đeo khẩu trang.
Chan, một người Thượng Hải (Trung Quốc) chính hiệu - như cách gọi của anh, đã chuyển đến Việt Nam từ tháng 3/2019 và sống tại khu Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh, TP.HCM) từ đó đến nay. Anh trở về Việt Nam hôm mùng 6 Tết sau chuyến du lịch Hong Kong và được nhập cảnh bình thường.
Tuy nhiên, suốt 1 tháng nay, Chan và một số người bạn Trung Quốc của mình đã phải chung sống với nhiều tình huống kỳ thị, phân biệt đối xử ở những nơi công cộng khiến anh không mấy thoải mái dù anh hiểu và thông cảm với những hành động này.
Nói tiếng Anh thay vì tiếng Trung
Những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, Chan hẹn gặp một số đối tác kinh doanh để bàn công việc nhưng tất cả đều từ chối gặp mặt và đề xuất họp trực tuyến. Dường như không ai muốn gặp người Trung Quốc vào thời điểm này.
Xavier Chan (40 tuổi) thường sử dụng tiếng Anh ở nơi công cộng thay vì tiếng Trung Quốc trong mùa dịch. Ảnh: N.T.H.
|
“Tôi chỉ đơn giản giải thích với họ rằng tôi đã ở Việt Nam trước khi mùa dịch bắt đầu, sau đó đi du lịch Hong Kong - nơi không phải vùng dịch và quay trở lại Việt Nam ngay sau đó. Tôi không hề về Trung Quốc”, Chan thuật lại. “Dù sao thì họ vẫn đề xuất họp trực tuyến và tôi đồng ý”, anh kể thêm.
Chan cho biết anh ít khi gặp phải sự kỳ thị hay phân biệt đối xử trong sinh hoạt thường ngày từ những người xung quanh. “Có lẽ do tôi nhìn không giống người Trung Quốc và khi ở ngoài, tôi cũng hiểu sự e ngại của mọi người nên thường nói tiếng Anh hơn là tiếng Trung”, Chan lý giải.
Tuy nhiên, trong chuyến du lịch Đà Lạt mới đây, Chan gặp phải tình huống không mấy thoải mái khi một khách sạn không đồng ý cho anh nhận phòng bởi anh có hộ chiếu Trung Quốc. Trước tình huống đó, Chan kiên nhẫn giải thích rằng anh không hề về Trung Quốc trong suốt mùa dịch cũng như không có các triệu chứng ho, sốt. Sau đó, khách sạn đồng ý cho anh nhận phòng.
Tấm biển thông báo không nhận khách Trung Quốc tại một khách sạn ở Đà Lạt. Ảnh: Xavier Chan.
|
“Đối thoại là giải pháp”, Chan nhận định, “thực tế rất nhiều người không hiểu biết về dịch virus corona nên họ mới sợ nó. Vậy nên chúng ta phải nói cho họ hiểu. Ít ra từ phía mình, chúng ta cũng cố gắng làm gì đó".
Không may mắn như Chan, một số người bạn của anh đã không thể xóa tan sự phân biệt đối xử chỉ bằng đối thoại. Nhóm bạn người Đài Loan của Chan đã có chuyến du lịch 8 ngày không mấy thoải mái tại Việt Nam do liên tục bị các khách sạn từ chối cho thuê phòng vì sợ dịch.
Người Trung Quốc không phải virus
Từ khi Việt Nam công bố dịch, vợ chồng chị Karen Jiang (32 tuổi) được khuyến khích làm việc tại nhà. Chị Jiang cho biết tuy chưa từng gặp phải sự phân biệt quá “bạo lực” như anh Chan nhưng chị nhận ra sự né tránh từ những biểu hiện rất nhỏ ở những người xung quanh.
Nếu trước đây chị nói chuyện trong thang máy sẽ không mấy ai để ý, nhưng bây giờ, khi vợ chồng chị giao tiếp bằng tiếng Trung, chị nhận thấy nhiều ánh mắt hướng về phía mình cùng một lúc. “Thậm chí có lúc trong thang máy, tôi thấy một người lén lấy khẩu trang từ trong túi ra đeo vào. Tôi thấy buồn cười mà cũng thấy hơi tổn thương”, chị cười kể lại. Từ trải nghiệm đó, 2 vợ chồng hạn chế giao tiếp bằng tiếng Trung và thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Một nhóm khách người Đài Loan bị khách sạn từ chối cho thuê phòng tại Hà Nội hôm 31/1. Ảnh: NVCC.
|
Một lần khác, khi chị đang nói chuyện phiếm trong lúc xếp hàng cùng chồng chờ mua cà phê, chồng chị nghe hai người phụ nữ đằng sau hỏi nhỏ rằng “họ là người Trung Quốc phải không” (chồng chị nghe hiểu một chút tiếng Việt nhờ thời gian làm việc tại Việt Nam). Chị Jiang thừa nhận sự chú ý này khiến chị không thoải mái, thậm chí đôi lúc phẫn nộ dù chị hiểu nguyên nhân của thái độ này là do bệnh dịch virus corona khởi nguồn từ Trung Quốc và 31/31 tỉnh tại đây đều đang có dịch.
“Người Trung Quốc không phải virus. Nhiều lúc tôi chỉ muốn quay lại giải thích như vậy với mọi người”, chị Jiang chia sẻ.
Chị Jiang và anh Chan không phải những người Trung Quốc duy nhất gặp phải sự phân biệt đối xử. Công dân Trung Quốc tại các quốc gia khác cũng gặp phải tình trạng tương tự, thậm chí tệ hơn.
"Tại sao bạn không ở nhà?"
Theo Financial Times, tại Paris (Pháp), một phụ nữ Đài Loan phàn nàn về việc mọi người dịch chuyển xa khỏi cô khi ở trên tàu bởi cô đang đeo khẩu trang. Ở Hungary, các chủ cửa hàng Việt Nam đặt biển báo nói rõ ràng họ không phải người Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, hơn nửa triệu người đã kiến nghị tổng thống ngăn chặn người dân Trung Quốc nhập cảnh.
"Tôi ngồi xuống trong lúc đang đeo tai nghe và bất ngờ nghe thấy ‘Người Trung Quốc!’. Cùng lúc, một người mẹ cùng đứa trẻ xuống xe. Tôi nhận ra tất các hành khách cũng xuống đầu kia xe. Họ nhìn tôi hơi kỳ lạ”, cô gái Trung Quốc 30 tuổi làm việc trong một cửa hàng thời trang phục vụ khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc tại Pháp kể lại với Financial Times.
"Một ngày nọ, tôi ở trong cửa hàng, không đeo khẩu trang và nghe thấy 'người Trung Quốc'. Người phụ nữ đó đã kéo áo lên để che mặt”, cô kể và nói thêm rằng một số người bạn Pháp gốc Hoa của cô ấy thậm chí đã được hỏi rằng “Tại sao bạn không ở nhà?” khi đang đi mua sắm tại Paris.
Người Hàn Quốc biểu tình gần Nhà Xanh (Seoul) kêu gọi chính quyền cấm người Trung Quốc nhập cảnh. Ảnh: Ahn Young-joon/AP
|
Tại Hàn Quốc, người dân phản đối việc thành lập các trung tâm cách ly do chính phủ xây dựng vì lo ngại virus sẽ lây lan. Truyền thông địa phương ghi lại trường hợp nhiều nhà hàng, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và taxi từ chối khách Trung Quốc.
Tại Pháp, có tờ báo thậm chí đã xuất bản những diễn ngôn miệt thị liên quan đến người da vàng. Mặc dù tờ báo này sau đó công khai xin lỗi nhưng nó vẫn gây ra sự phẫn nộ trong nhiều người châu Á tại đây.
Một số công dân Pháp gốc Á đã đăng tải hình ảnh của mình lên các phương tiện truyền thông cùng tấm biển "Tôi không phải virus" như một hành động phản kháng lại sự phân biệt chủng tộc mang tính đổ lỗi từ những người châu Âu.