Cách đây hơn 20 năm, chồng bà Ca từ Nam Trực, Nam Định, lên Hà Nội lập nghiệp. Sau vài năm, vợ chồng bà gom góp, vay mượn tiền của ở quê mua được căn hộ 70m2 trong ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, rồi đưa 2 con gái lên ở cùng. Bà Ca thì vẫn ở quê trông nom nhà cửa, lo việc hương hỏa nhà chồng.
Trong thời gian ở Hà Nội cùng các con, chồng bà Ca có mối quan hệ "ngoài luồng" và có 1 đứa con riêng nhưng không công khai. Bà Ca có biết chuyện nhưng đã cam chịu, không làm lớn chuyện. Ảnh minh họa |
Cách đây gần 5 năm, khi con gái lớn đi lấy chồng, bà Ca quyết định đóng cửa nhà ở quê lại rồi dọn lên Hà Nội đoàn tụ gia đình.
Mọi việc trong nhà bà tạm ổn cho đến tháng 12/2015, ông chồng đột ngột qua đời. Ngay sau đám tang, có người phía bên nhà "vợ bé" của chồng tìm đến, yêu cầu đòi chia tài sản là căn hộ 70m2 (đang có giá khoảng gần 3 tỷ đồng). Họ còn bảo bà Ca không có quyền gì ở đó, bà chỉ là người đi ở nhờ. Nghe xong, bà quá sốc.
Tuy nhiên, cô nhân tình của chồng bà đã chìa ra tờ giấy đăng ký kết hôn, chứng tỏ cô ta mới là vợ hợp pháp của chồng bà. Điều này khiến bà Ca "té ngửa". Đúng là cách đây hơn 40 năm, bà về ở với chồng là do sắp đặt của bố mẹ, chỉ làm cỗ cưới chứ không đăng ký kết hôn. Khi đi xin giấy khai sinh cho con, làm bất kỳ thủ tục giấy tờ gì, đều do chồng bà làm. Ngay cả khi ông bà mua nhà, bà cũng chỉ biết gom góp đưa tiền cho chồng, không quan tâm gì đến chuyện đứng tên đồng quyền sử dụng. Từ ngày cưới đến giờ, bà chưa bao giờ bị ai hỏi đến cái giấy đăng ký kết hôn.
* Tương tự, chị Vũ Thị Nhật Lệ (38 tuổi, ở Thượng Thanh, Q.Long Biên, Hà Nội) cũng đã phải mất khá nhiều thời gian gửi đơn đi khắp nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Vợ chồng chị Lệ về ở với nhau từ năm 1995 khi chị chưa đủ 18 tuổi, không đăng ký kết hôn, vi phạm Luật Hôn nhân & Gia đình. Họ sinh được 2 người con trai và có lúc công việc làm ăn phát đạt, nên họ đã xây được căn nhà trên mảnh đất 250m2 do gia đình chồng cho. Năm 2009, vợ chồng chị mâu thuẫn và muốn chia tay. Lúc này, chị Lệ muốn được nuôi con, muốn được chia 1 phần tài sản chung - là căn nhà vợ chồng cùng làm ở xưởng gỗ và đóng góp xây nên. Tuy nhiên, người chồng đã không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của chị. Anh ta cho rằng, nếu đưa ra tòa, chị không có bất kỳ quyền nào để đòi được chia tài sản. Đó là chưa kể, nhà họ ở được xây trên đất của bố mẹ anh ta, tiền xây là do anh ta kiếm được (giấy tờ sổ sách, tiền bạc ở xưởng gỗ do anh ta và người chị chồng quản lý). Thậm chí, chị Lệ còn bị chồng đòi trả 16.000 USD và 200 triệu đồng - là số tiền chị từng nghe lời chồng, ký vay nợ khống của người thân trong nhà chồng (dù theo như chị nói thì đây là do người chồng ép chị phải ký chứ thực ra chị không được nhận tiền).
Trước hàng loạt những vụ việc với bằng chứng bị cho là “tình ngay lý gian”, chị Lệ hầu như không có gì để bảo vệ mình. Chị không được quyền nuôi con, không chốn nương thân, từng viết đơn cầu cứu nhiều nơi và tìm đến Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triểni) để tạm lánh, nhờ can thiệp
Người dân, đặc biệt là phụ nữ đã gặp nhiều khó khăn do vẫn còn hiểu biết khá sơ sài về Luật Hôn nhân & Gia đình. Đó cũng là kết luận từ cuộc nghiên cứu công bố năm 2016 bởi Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Khi xem xét các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới, được thực hiện trong vòng 4 năm với hơn 8.400 người trong độ tuổi từ 28 đến 65, tại 9 tỉnh, thành phố, kết quả nghiên cứu này cho thấy: "Có sự khác biệt về giới tương đối rõ trong việc hiểu biết về Luật Hôn nhân & Gia đình".