Làm sao tạo cú hích?
Trong văn bản chính sách hiện nay ở Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được mô tả là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp - Ảnh: kinhtevadubao.vn |
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), không phải sự thay đổi nào cũng được coi là một ĐMST mà phải thỏa mãn các đặc tính: Thứ nhất là có tính mới: mới so với thế giới; mới so với thị trường; mới so với doanh nghiệp; Thứ hai là có tính thực tiễn: đưa sản phẩm ra thị trường, hoặc áp dụng quy trình mới trong sản xuất.
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Mặc dù giảm 4 bậc so với 2021 (xếp thứ 44), Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43).
Năm nay, Ấn Độ vượt qua Việt Nam để giành vị trí dẫn đầu nhóm ba quốc gia về đổi mới theo nhóm thu nhập (Iran vượt qua Ukraine để vào nhóm xếp hạng này). Tuy nhiên báo cáo ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia cùng với Philippines (59), Indonesia (75), Campuchia (97) và Lào (112), đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc), đồng thời dẫn đầu trong các đổi mới quan trọng về chỉ số.
Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với Iran (hạng 53) và Philippines (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay.
Theo ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý, Quỹ đầu tư ThinkZone những vướng mắc có thể được coi là “điểm nghẽn cổ chai” cần phải được khơi thông để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp ĐMST một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành bại là khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Tại Việt Nam, các nguồn vốn phổ biến mà startup đang tiếp cận là: nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài; nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và nguồn vốn vay.
Với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nội địa, đã có các quy định nền tảng nhưng các quy định pháp lý còn nhiều hạn chế để khơi thông dòng vốn và tiềm lực nội địa để thực hiện đầu tư cho startup.
Ví dụ như: Nghị định 38 quy định rằng quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động về khai và nộp thuế, đăng ký đầu tư nước ngoài do chưa có quy định cụ thể.
Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế, tuy nhiên trong các văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế thì không có quy định được ưu đãi như thế nào, áp dụng ra sao.
Với một số loại hình startup, đặc biệt là các startup làm về fintech, thì ngoài các khoản hỗ trợ từ nhà nước, vốn góp cổ phần từ nhà đầu tư thiên thần hay từ quỹ đầu tư, thì nguồn vốn vay cũng rất cần thiết.
Tuy nhiên, các phương án cho vay hiện nay của startup tương đối hạn chế vì: startup khó vay được ngân hàng thông thường do không có tài sản đảm bảo; startup thực hiện vay từ các quỹ cho vay nước ngoài hoặc các hình thức tín dụng khác ở Việt Nam thì thường phải chịu lãi suất tương đối cao.
Vẫn còn những khó khăn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Ảnh: diendandoanhnghiep.vn |
Nhiều ưu đãi được đưa ra
Theo ông Vũ Quốc Huy, có thể nói, lần đầu tiên, các chính sách về ưu đãi đầu tư, đặc biệt là cho đổi mới sáng tạo, đã được quy định cụ thể trong Luật và Nghị định.
Tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo điểm e, khoản 2, Điều 15, Luật Đầu tư gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; các trung tâm đổi mới sáng tạo khác sẽ hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm; các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định 6 vấn đề với 05 nhóm hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị); quản lý thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo hoạt động tại Trung tâm, thì được NIC hỗ trợ về các thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; Được NIC hỗ trợ văn phòng làm việc và sử dụng phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định và các phương tiện, tiện ích khác của Trung tâm của NIC; Được hưởng ưu đãi trong thủ tục đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; Được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo; Được hưởng các ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.