Tương truyền vào đời Khang Hy nhà Thanh có một người tên Vương Trí Hòa đã phát minh ra đậu phụ thối.
Do thi trượt khoa cử và không còn lộ phí về nhà, chàng thư sinh nghèo Vương Trí Hòa phải ở lại kinh thành bán đậu phụ kiếm sống qua ngày.
Một ngày kia, đậu phụ bị ế nhiều, anh đành phải cắt nhỏ đậu phụ và cho vào một cái chum ướp muối. Vài ngày sau, khi mở chum ra, anh nhận thấy đậu phụ đã hơi chuyển sang màu lục và có mùi rất hắc.
Anh nếm thử thứ "đậu phụ thối xanh" đó và thấy nó ngon kinh ngạc. Anh mạnh dạn mang loại đậu hũ đặc biệt đó ra bán. Kể từ đó đậu hũ thối được lan truyền rộng rãi.
Tuy là món ăn bình dân song công đoạn chế biến cũng cầu kỳ không kém những món ăn sang trọng khác của Trung Quốc.
Để tạo mùi thum thủm cho đậu người ta ủ chung cùng nước cốt gồm sữa, rau cải và thịt trong khoảng 6 tháng. Ngoài ra, để tăng hương vị thành phần ủ còn có tôm khô, mù tạt xanh măng tre và các loại thảo dược.
Ở những nơi khác nhau lại có cách chế biến món đậu phụ thối khác nhau. Tại Chiết Giang, người dân thích chiên vàng đậu phụ thối và ăn kèm tương ớt cay.
Ở Hồ Nam thì đậu phụ thối lại có màu đen do lên men lâu ngày.
Tại Hồng Kông, món đậu phụ thối là món ăn khoái khẩu của nhiều người, người Hồng Kông thưởng thức đậu phụ thối rất đơn giản, chỉ cần chiên giòn và rưới lên đó rất nhiều loại tương như tương ớt, tương cà chua, tương đen, sau đó vừa đi dạo vừa thưởng thức.
Ở Đài Loan, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm thấy món đậu phụ thối ở lề đường hoặc chợ đêm, được chiên giòn và ăn với rau cải muối.
Tuy có thứ mùi kinh khủng nhưng đậu phụ thối có giá trị dinh dưỡng cao. |
Dù có một thứ mùi đầy thách thức, nhưng đậu phụ thối không những không độc mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, món ăn này có hàm lượng vitamin B2 và B12 rất cao, giúp phòng tránh bệnh mất trí nhớ ở người già.
Mời độc giả xem video "Những món ăn nguy hiểm khiến nhiều người không khỏi sợ hãi". Nguồn YouTube:
Ngoài ra, đậu phụ thối chứa nhiều protein, chiếm khoảng 15-20%, tương đương với nhiều loại thịt.
Thực phẩm này còn chứa lượng canxi phong phú. Chưa kể, các chất protein trong đậu phụ thối sau khi lên men chuyển hóa thành các loại axit amin, có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên ăn quá nhiều.
Vì trong quá trình lên men, đậu phụ thối sẽ sản sinh ra các amin như methylamine, putrescine, serotonin. Các chất này giúp cho món ăn có mùi rất đặc biệt nhưng không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe.
Đồng thời do tính chất lên men nặng nên quá trình chế biến đậu phụ thối dễ bị vi khuẩn xâm nhập, dễ gây ngộ độc thực phẩm.