Khoai tây là loại củ được nhiều người yêu thích dùng để chế biến nhiều món ăn như canh khoai tây, khoai tây chiên, khoai tây nướng... Vào mùa đông, khoai tây giống ta được bày bán khá nhiều. Loại khoai tây giống ta vỏ mỏng hơn, ăn đậm hơn, củ nhỏ nhưng nhiều bột, ăn bở hơn khoai tây nhập khẩu. Khoai tây của nông dân trong nước trồng, nhất là khu đồng bằng sông hồng thì củ thường nhỏ, tròn, khoai rất bở và thơm.
Mùa thu hoạch chỉ tầm 2 tháng, nên sau mùa là không còn loại khoai tây này nữa. Do đó bạn có thể tích trữ để dùng dần. Nhưng khoai tây lại dễ bị nảy mầm thối mốc nếu không bảo quản đúng cách. Khoai tây nảy mầm, vỏ chuyển màu xanh sẽ tăng cường độc tố nên ăn có thể gây ngộ độc. Vì thế chúng ta cần bảo quản để khoai tây không bị nảy mầm.
Cách bảo quản khoai tây để được lâu
Khoai tây sau khi mua về để khô vỏ, có thể để cả đất không được rửa sạch. Bởi khoai tây bị ẩm sẽ dễ nảy mầm.
Bạn dùng thùng carton, tránh thùng nhựa vì sẽ bị hấp hơi làm ẩm thối mốc khoai. Cho vào thùng carton giấy báo càng tốt rồi xếp khoai tây vào, mỗi lớp khoai tây một lớp giấy báo. Giấy báo rất hữu hiệu trong việc hút ẩm giúp cho khoai tây không bị ướt nhưng cũng không bị khô nhăn nheo vỏ.
Sau cùng bạn thêm vào thùng khoai tây vài trái táo đỏ. Tùy theo khối lượng khoai tây bảo quản mà nên để 1-2 quả táo vào. Sau đó đậy nắp carton lại rồi để nơi khô ráo thoáng mát và không có nhiều ánh sáng. Vì khoai dễ nảy mầm khi có nhiều ánh sáng.
Táo sẽ giúp bảo quản khoai tây không bị nảy mầm.
Công dụng của táo trong bảo quản khoai tây
Táo là trái cây có công dụng kích thích hoa quả khác chín đều nhưng chúng lại thải ra khí ethylene giúp khoai tây chậm mọc mầm. Tầm nửa tháng bạn kiểm tra một lần nếu thấy táo sắp hỏng thì thay quả khác. Cách làm này có thể giữ khoai tây được nửa năm mà không nảy mầm.
Và lưu ý bạn nên ăn khoai tây cả vỏ, bởi vỏ khoai tây có nhiều dinh dưỡng tốt hơn cả ruột khoai. Nên trong một số món bạn hoàn toàn có thể ăn cả vỏ như cà ri khoai tây, khoai tây chiên, khoai tây nướng…