Theo dữ liệu do Credit Bureau Experian cung cấp cho trang Credit.com, tính đến tháng 12/2016, có tới 73% người tiêu dùng Mỹ vẫn lâm vào cảnh nợ nần sau khi họ đã chết. Khoản dư nợ thế chấp lên tới 61.544 USD. Đó là chưa kể khoản vay mua nhà trung bình 12.875 USD của đa số người dân Mỹ.
Con số này dựa trên cơ sở dữ liệu FileOne của Experian nơi lưu trữ số liệu của 220 triệu người tiêu dùng Mỹ. Để xác định mức nợ trung bình của người dân Mỹ khi họ chết, Experian xem xét người tiêu dùng ở thời điểm họ còn sống và sau khi chết.
Thường xuyên kiểm tra các chi tiêu trên thẻ tín dụng là một cách để tránh nợ nần sau khi chết. (Ảnh: Telegraph) |
Trong số 73% người tiêu dùng còn nợ khi họ chết, có khoảng 68% là khoản nợ từ thẻ tín dụng. Khoản nợ phổ biến nhất tiếp theo là nợ thế chấp (37%), các khoản vay tự động (25%), các khoản vay cá nhân (12%) và khoản vay sinh viên (6%). Điều này cho thấy, có tới 6% người Mỹ vay tiền đi học đại học nhưng đến lúc chết vẫn chưa thanh toán được.
Thông thường, người chết đi thì khoản nợ cũng đi theo người đó. Tuy nhiên, điều này không phải là không ảnh hưởng tới người sống.
Ông Darra L. Rayndon, luật sư về quy hoạch bất động sản với Clark Hill ở Scottsdale, Ariz, cho biết: "Nếu người chết nợ tiền mua nhà, khi họ chết đi, người thân sẽ không phải trả khoàn nợ đó. Tuy nhiên, nếu ngôi nhà đó là tài sản thừa kế, thì người thừa hưởng phải trả hết số nợ đó mới được sở hữu ngôi nhà. Nếu người thừa kế không đủ tiền trang trải thì họ phải bán ngôi nhà đó để trả nợ. Đối với những hợp đồng nhà ký tên chung, người sống sẽ phải có trách nhiệm trang trải khoản nợ đó.”
Làm gì để tránh nợ nần sau khi chết?
Theo luật sư Raydon, nếu người được thừa kế là vợ/chồng còn sống hoặc con cái vị thành niên, bảo hiểm nhân thọ là cách tốt nhất để trang trải cho họ khoản nợ này.
Các luật sư Mỹ đã đưa ra lời khuyên, nên thường xuyên xem lại bản báo cáo tín dụng của mình để có thể điều chỉnh những chi tiêu không cần thiết.
Các chuyên gia cho rằng, nên sống nghèo một chút so với nhu cầu thì có thể sẽ tránh được những gánh nặng cho người thân sau khi bạn chết.
Ngoài ra, bạn nên gặp luật sư để được tư vấn xem loại bảo hiểm nhân thọ nào có thể đảm bảo rằng bất động sản bạn mua sẽ được nhận các loại bảo hiểm sau khi bạn qua đời.
Cuối cùng là vấn đề di chúc. Ông James M. Matthews, một nhà lập kế hoạch tài chính kiêm Giám đốc điều hành của Blueprint, công ty lập kế hoạch tài chính ở Charlotte, Bắc Carolina, Mỹ cho biết: "Nếu bạn không viết di chúc, nhà nước sẽ làm giúp bạn khi bạn qua đời. Tuy nhiên, chi phí sẽ đắt đỏ hơn nhiều vì sẽ phải công thêm một số chi phí khác như chi phí xác định tại tòa…”