Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua quy định phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến.
“Dán nhãn độ tuổi” là khái niệm liên quan đến phân loại, quy định trong lĩnh vực phim ảnh. Một số yếu tố được hội đồng quản lý, kiểm duyệt dựa vào gồm: cảnh nóng - khỏa thân, bạo lực, kinh dị, ma túy và các chất kích thích… Phạm vi áp dụng gồm rạp chiếu phim, hệ thống truyền hình, không gian mạng, địa điểm chiếu phim công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác. Theo dự thảo mới, hiện có 6 cấp độ phân loại phim.
Dán nhãn phim ảnh để đảm bảo phù hợp độ tuổi, đối tượng khán giả là điều cần thiết. Điều này được cơ quan quản lý, nhà làm phim và khán giả đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, nếu mảng điện ảnh có những tiêu chí cụ thể, đảm bảo phù hợp từng đối tượng người xem, thì ở lĩnh vực truyền hình và phim chiếu mạng, vấn đề này còn bỏ ngỏ.
Vài năm gần đây, thị trường phim truyền hình chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm hút truyền thông lẫn khán giả xem đài vì đảm bảo chất lượng, đa dạng về đề tài. Song song đó, những tranh cãi về nội dung, hình ảnh nhạy cảm vẫn thường xuyên xảy ra.
Những cảnh phim cưỡng bức, phòng the vẫn xuất hiện trên sóng truyền hình.
Với cơ chế kiểm duyệt ngày càng thoáng, một số đề tài về xã hội đen, thế giới ngầm hay gái mại dâm được các nhà sản xuất tích cực khai thác. Nhiều bộ phim truyền hình từng gây tranh cãi vì cảnh 18+ như: Người phán xử, Anh có phải đàn ông không, Hành trình công lý, Mộng phù hoa, Tiếng sét trong mưa… Đây đều là những tác phẩm hot, lên sóng khung giờ vàng với lượng rating cao ở các đài truyền hình.
Gần đây nhất, cảnh nóng giữa nhân vật Hoàng (Việt Anh) và Hà (Huyền Trang) ở những tập đầu Hành trình công lý gây tranh cãi khi quá táo bạo trong khi không dán nhãn hay cảnh báo khán giả.
Phim Người phán xử xuất hiện nhiều cảnh ân ái giữa Phan Hải (Việt Anh) và tình cũ Vân Điệp (Thanh Bi); Phan Hương (Thanh Hương) làm tình với với Khải (Anh Đức) tại nhà vệ sinh ở quán bar… Trong Tuổi thanh xuân 2, nhân vật Phong (Mạnh Trường đóng) vui chơi cùng nhiều cô gái trên du thuyền với những cảnh hôn tay ba, nụ hôn đồng tính giữa hai cô gái. Ở Sống chung với mẹ chồng, vợ chồng Minh Vân (Bảo Thanh) và Thanh (Anh Dũng) có không ít cảnh phòng the.
Quỳnh búp bê - phim với đề tài mại dâm được dán nhãn 18+, dời giờ phát sóng vào tối muộn. Quyết định này được nhà đài đưa ra sau khi dư luận có những phản ứng về việc xuất hiện đầy rẫy hình ảnh nhạy cảm.
Quỳnh búp bê cũng là tác phẩm truyền hình đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại được dán nhãn. Sau bộ phim, câu chuyện giới hạn tuổi dường như cũng không được thắt chặt trên sóng. Những phim gần đây như Những cô gái trong thành phố, Ga-ra hạnh phúc, Hành trình công lý đều có cảnh nóng.
Tương tự, ở các đài địa phương như THVL, SCTV cũng từng xuất hiện những cảnh phim không phù hợp cho tất cả đối tượng khán giả. Phim Tiếng sét trong mưa, phát sóng ở khung giờ vàng kênh Vĩnh Long, có chuyện tình loạn luân giữa mẹ kế và con trai chồng hay hai anh em cùng mẹ khác cha. Phim truyền hình Hồng nhan lên sóng trên kênh SCTV14 cũng có cảnh nhân vật do diễn viên Đoàn Minh Tài bị một nhóm giang hồ thiến…
Trong khi khán giả cho rằng các cảnh nóng dày đặc khiến phim trở nên phản cảm, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất lên tiếng giải thích các tình tiết trên là phù hợp, đã qua kiểm duyệt. Họ mong người xem khi theo dõi phim nên có cái nhìn, tư duy cởi mở.
Những tranh cãi từ 2 phía nhà làm phim và người xem cho thấy khoảng trống pháp lý trong việc kiểm soát lẫn phổ biến nội dung phim. Chính quy định, chế tài không rõ ràng dẫn đến không ít tình huống nhập nhằng, lúng túng trong công tác xử lý.
Khái niệm phim truyền hình lâu nay được hiểu là gắn liền với “gia đình”. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu có nên hay không cảnh “nóng” xuất hiện trong phim?
Phần lớn trẻ em Việt Nam xem truyền hình chung với ông bà, cha mẹ… Các thế hệ quây quần xem ti vi trong giờ sinh hoạt hay mỗi tối là thói quen với hầu hết các gia đình, đặc biệt ở khu vực nông thôn khi ti vi vẫn là hình thức giải trí chủ yếu.
Việc trẻ em ngồi cùng người lớn và xem những bộ phim truyền hình đủ các cảnh bạo lực, tình cảm nóng bỏng hay những ngôn từ dung tục khiến nhiều người lo ngại.
Chia sẻ với VietNamNet, đạo diễn Công Hậu - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM - cho biết công tác dán nhãn, phân loại phim cần được tiến hành gắt gao, quyết liệt hơn.
Không dừng ở phim chiếu rạp, công tác này cũng cần phải được quan tâm sâu sát ở các mảng phim truyền hình, trực tuyến. Đạo diễn Công Hậu nhận định nhiều nhà làm phim lẫn các nhà sản xuất vẫn lỏng lẻo ở khâu sản xuất và kiểm duyệt.
“Công tác quản lý các phim ngoại chưa được siết chặt. Tôi nhận thấy một số đài truyền hình vẫn chiếu phim có nội dung đồi trụy, bạo lực. Dù khẳng định đã kiểm duyệt, nhưng mức độ nào, phân loại ra sao không được nêu rõ. Với đối tượng hướng đến là gia đình có trẻ em, điều này rất nguy hại”, ông nói.
Ở nền tảng OTT (trên Internet), điều này càng trở nên nhức nhối khi đến nay vẫn chưa có một chế tài cụ thể, minh bạch.
Một thực trạng ở nền tảng trực tuyến là có rất ít dán nhãn hoặc hầu như không có biện pháp để giám sát người xem. Khán giả là đối tượng trẻ em chỉ cần có thiết bị điện tử vẫn có thể xem tất cả các phim mà không cần có người lớn.
Trong khi đó, hình thức phát hành phim trực tiếp trên mạng cũng là cách để một vài nhà sản xuất có thể “né” kiểm duyệt. Điều này giúp phim dễ dàng tiếp cận số đông người xem nhưng để lại hậu quả khôn lường khi không được kiểm soát.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa - đạo diễn của các phim điện ảnh như: Chị mười ba, Chìa khóa trăm tỷ, Nghề siêu dễ… nói so với điện ảnh, quy trình kiểm duyệt các tác phẩm chiếu mạng có phần lỏng lẻo. Theo anh, đây là thực trạng nhức nhối nhưng khó giải quyết vì nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
“Đăng tải một bộ phim lên mạng rất dễ nhưng để xử lý rất khó vì phải phụ thuộc vào nhiều khâu. Việc xử lý của cơ quan chức năng mới chỉ khả thi đối với các nền tảng chiếu phim tại Việt Nam, còn các phim được cung cấp trên các nền tảng xuyên biên giới, có máy chủ ở nước ngoài thì rất khó để can thiệp”, anh nhận định.